Tuổi trung niên cần làm các xét nghiệm gì và tiêm vaccine nào?
Những bất ổn về sức khỏe có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn khi bạn bước vào tuổi trung niên. Tuổi trung niên cần làm các xét nghiệm gì và tiêm vaccine nào?
Để bảo vệ sức khỏe chính mình, người trung niên cần tiến hành thăm khám sức khỏe định kỳ, làm những xét nghiệm cần thiết, tiêm vaccine đúng lứa tuổi.
Những bất ổn về sức khỏe có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn khi bạn bước vào tuổi trung niên.
Tầm quan trọng của việc xét nghiệm, tiêm vaccine cho tuổi trung niên
Ở độ tuổi này, sức đề kháng và khả năng hấp thu dinh dưỡng đã suy giảm. Việc xuất hiện các bệnh tiểu đường, tim mạch, mỡ máu, loãng xương, ung thư là điều không tránh khỏi. Do đó khám sức khỏe định kỳ, làm các xét nghiệm tối thiểu nhất ở lứa tuổi này là việc là tối cần thiết.
Có như vậy, nếu bạn có mầm bệnh sẽ dễ dàng phát hiện ngay từ đầu để điều trị kịp thời, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian chữa trị vừa ngăn ngừa bệnh tốt hơn.
Thêm vào đó, việc tiến hành các xét nghiệm và thăm khám khi đang mắc bệnh còn giúp bác sĩ chuyên khoa có định hướng được phương pháp điều trị và có những biện pháp khắc phục kịp thời khi bệnh chuyển biến không tốt.
Việc tầm soát giúp tìm ra sớm những bệnh lý của từng bộ phận để kịp thời can thiệp, điều trị là một việc khả thi đối với sự phát triển vượt trội của y học ngày nay.
Các vaccine cần tiêm và các xét nghiệm cần làm khi ở tuổi trung niên
Vaccine cần tiêm
Cúm: Người từ 50 tuổi trở lên nên ngừa cúm hàng năm do có nguy cơ nhập viện và tử vong cao nên việc tiêm cúm là cần thiết.
Phế cầu khuẩn: Người cao tuổi dễ bị viêm phổi, nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não do vi khuẩn phế cầu khuẩn. Hiện, thị trường có hai loại vaccin ngừa phế cầu khuẩn gồm PCV13 (Prevnar 13) và PPSV23 (Pneumovax 23), được CDC khuyến nghị tất cả người lớn từ 65 tuổi trở lên; phác đồ gồm hai mũi cách nhau một năm.
Uốn ván: Người lớn chưa rõ lịch sử tiêm chủng nên chích ngừa một mũi uốn ván càng sớm càng tốt. Nếu đã mắc bệnh hoặc chủng ngừa cách đây hơn 10 năm, mọi người cần bổ sung mũi nhắc lại ngay.
Viêm gan: Chủng ngừa 2 mũi vaccine viêm gan A cần thiết, nhất là với những đối tượng có nguy cơ cao như có bệnh gan mãn tính.
Việc tầm soát giúp tìm ra sớm những bệnh lý của từng bộ phận để kịp thời can thiệp, điều trị là một việc khả thi đối với sự phát triển vượt trội của y học ngày nay. Ảnh minh họa.
Các xét nghiệm quan trọng cần làm
Tiểu đường: Hãy bắt đầu sàng lọc tiểu đường type 2 từ mốc 45 tuổi, định kỳ 3 năm một lần. Nếu thừa cân, có tình trạng tiền tiểu đường, gia đình có người mắc, cần làm xét nghiệm thường xuyên hơn. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm A1C để đo lượng đường trong máu trung bình trong vòng ba tháng; glucose huyết tương lúc đói nhằm xem xét lượng đường máu khi bạn nhịn đói tối thiểu 8 tiếng; xét nghiệm dung nạp glucose đường uống để kiểm tra mức đường trước và hai tiếng sau khi uống đồ ngọt.
Mật độ xương: Xương có thể lão hóa dần theo tuổi. Bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra mật độ xương hông và cột sống của bạn, điều trị kịp thời nếu phát hiện bệnh.
Kiểm tra mắt: Các bệnh khác phát sinh theo tuổi tác bao gồm đục thủy tinh thể, giảm thị lực, khó nhìn khi lái xe vào ban đêm, đau mắt, đỏ mắt, nhấp nháy và thấy lóe sáng ở mắt. Người trên 50 tuổi cần khám mắt toàn diện hai đến bốn năm một lần. Người trên 55 tuổi cần kiểm tra một năm một lần.
Huyết áp, tim mạch: Tình trạng tăng huyết áp hoặc có chỉ số huyết áp cao phổ biến ở người lớn tuổi. Do đó, họ cần kiểm tra hàng năm để kiểm soát huyết áp hiệu quả, hoặc được tư vấn kế hoạch theo dõi nếu thừa cân, béo phì. Nên kiểm tra huyết áp và bệnh tim mạch 2 năm một lần, hoặc 6 - 12 tháng một lần nếu có nguy cơ mắc bệnh tim mạch trung bình, hoặc 6 đến 12 tuần một lần nếu có nguy cơ cao.
Xét nghiệm máu tổng quát có tác dụng phát hiện ra các bệnh về máu, bất kể thành phần máu nào có sự thay đổi bất thường thì đều phản ánh một điều là người bệnh đang gặp vấn đề nào đó về sức khỏe, nhất là các bệnh về máu. Các xét nghiệm máu sẽ giúp kiểm tra cholesterol toàn phần, cholesterol lipoprotein mật độ cao và mật độ thấp. Lý do là một số cholesterol biến thành mảng bám gây tắc nghẽn động mạch, có thể dẫn đến đột quỵ và đau tim, cần được phát hiện và điều trị sớm.
Tầm soát ung thư: Chúng ta có thể phòng ngừa bệnh ung thư bằng cách chủ động làm giảm các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được đồng thời phối hợp chủ động tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư để điều trị kịp thời. Sự phát triển kỹ thuật hiện đại trong xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh giúp tăng khả năng phát hiện các loại ung thư thông qua việc tầm soát ung thư. Thông thường, tầm soát ung thư nên được thực hiện tối thiểu 1 năm 1 lần.
Quốc Trưởng – theo SKĐS