QM Mediphar - Vì sức khỏe cộng đồng                                                                                                      

BIỆN PHÁP ĐỂ CÚM KHÔNG CHUYỂN NẶNG

Ngày cập nhật: 19/08/2022 16:26

Bệnh cúm gia tăng

Theo CDC Hà Nội, hiện nay tình hình bệnh cúm mùa ở thành phố đang có xu hướng gia tăng, trong đó đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh nặng có viêm phổi nặng, suy hô hấp.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ghi nhận số người đến khám do mắc cúm có xu hướng gia tăng. Số trường hợp bệnh nhân có kết quả test nhanh dương tính với cúm chiếm 35,1% so với số khám sàng lọc bệnh nhân nghi/nhiễm cúm, trong đó bệnh nhân dương tính với cúm A chiếm 97,6%, cúm B chiếm 2,4%...

BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khoảng 2 tuần gần đây, số lượng bệnh nhân cúm A tới khám tại bệnh viện tăng cao, trong số này, bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp diễn biến nặng, xuất hiện viêm phổi và đang phải điều trị tích cực.

BSNT Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền nhiễm, BVĐK MEDLATEC cho biết, bệnh cúm hay gặp, nhưng không vì thế mà người dân lơ là, chủ quan, đặc biệt trong giai đoạn dịch diễn biến khó lường như hiện nay.

Việc điều trị cúm chỉ dễ dàng và hiệu quả khi được phát hiện sớm, vì nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh này có thể để lại hậu quả khôn lường như viêm xoang, viêm tai, viêm xoang, viêm phổi, nặng hơn là suy đa cơ quan. Do đó, khi có dấu hiệu người dân cảnh giác đi khám ngay để được chữa phát hiện kịp thời, đặc biệt bệnh nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai.

Dấu hiệu sau 24 giờ cần làm xét nghiệm

Vì cúm A đang phổ biến, BS Tùng lưu ý người bệnh phải để ý một số dấu hiệu bệnh như: Khi có các dấu hiệu ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể thì sau sốt 24 giờ là thời điểm thích hợp nhất có thể làm xét nghiệm để biết được có bị cúm hay không.

Khi mắc bệnh nên tuân thủ hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ. Bệnh cúm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên người bệnh không được uống thuốc bừa bãi, cần uống thuốc theo đơn hướng dẫn.

Người bệnh không nên quá lo lắng khi mắc cúm, bởi thông thường bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau vài ngày và hết hẳn các triệu chứng sau 1- 2 tuần. Trong khi mắc bệnh cần bổ sung nước (vì nước giải độc cho cơ thể người bệnh, nước còn có tác dụng làm loãng dịch gây tắc nghẽn mũi và ngăn ngừa nhiễm trùng cơ thể).

Nên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu và nhiều dinh dưỡng như cháo, súp gà. Bổ sung thực phẩm giàu kẽm (thịt bò, tôm, hàu, sò, thịt gà, ngũ cốc, yến mạch...). Nên ăn các loại rau củ quả, thêm gừng, tỏi khi chế biến đồ ăn. Ăn các loại trái cây giàu vitamin C tăng hệ miễn dịch như cam, quýt, bưởi. Khi có chẩn đoán cúm A, người bệnh cần tránh đến nơi đông người để hạn chế lây lan ra cộng đồng.

BS. Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho hay, virus cúm có 3 loại gồm cúm A, cúm B và cúm C. Về mặt triệu chứng lâm sàng, bệnh cúm chủ yếu là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Một số biểu hiện người bệnh có thể gặp phải là sốt cao, đau mỏi người, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, sổ mũi.

Ở các bệnh nhân diễn biến nặng, chúng ta có thể gặp triệu chứng của viêm phổi. Với bệnh cảnh lâm sàng này, bệnh nhân cần được chẩn đoán phân biệt với Covid-19. Đây là việc đầu tiên phải làm do triệu chứng lâm sàng của 2 bệnh rất giống nhau, chủ yếu là nhiễm trùng đường hô hấp. Việc phân biệt cúm A với các bệnh cảm lạnh thông thường cũng như những loại virus khác sẽ giúp cho bác sĩ có hướng điều trị phù hợp.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân thực hiện tốt các lưu ý sau:

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

Tiêm vắc xin cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Theo đời sống - Tri thức cuộc sống

 ĐỊA CHỈ

Số 4A Lò Lu, Phường Trường Thạnh, Thành Phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

 EMAIL

iqmmediphar@gmail.com

Công ty cổ phần dược phẩm Quang Minh - QM Mediphar

Địa chỉ: 4A Lò Lu, P. Trường Thạnh, TP. Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 0283 730 0167

Email: iqmmediphar@gmail.com

Website: http://www.qmmediphar.com/