Thuốc nào hạn chế bùng phát viêm da cơ địa ở trẻ em?
Viêm da cơ địa thường gặp ở trẻ em từ vài tháng tuổi cho đến tuổi đi học. Trẻ bị viêm da cơ địa cần được điều trị và chăm sóc để hạn chế đợt bùng phát bệnh...
1. Viêm da cơ địa là một tình trạng mạn tính
Theo ThS.BSCKII. Phạm Ngọc Hảo, Ủy viên Ban chấp hành Hội Da liễu Việt Nam, bệnh viêm da cơ địa không chữa khỏi hoàn toàn. Đây là tình trạng mạn tính, thường gặp ở trẻ em từ vài tháng tuổi cho đến tuổi đi học. Đối với trẻ đang bú mẹ, biểu hiện điển hình của viêm da cơ địa là tình trạng khô đỏ hai má. Khi lớn, những đám mụn ngứa có thể xuất hiện ở những vùng da cọ xát nhiều như cổ, bàn tay chân, hoặc các vùng nếp kẽ…
Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi làm bùng phát cơn cấp tính của viêm da cơ địa xen lẫn các giai đoạn bệnh lui. Trẻ mắc viêm da cơ địa sẽ cảm thấy ngứa ngáy ở những vùng da đang bị tổn thương, đó là các vết chàm da. Nếu không được chăm sóc đúng cách, trẻ sẽ thường xuyên gãi do cảm giác ngứa, làn da sẽ trở nên đóng vảy và phù nề nghiêm trọng hơn. Tình trạng này gây khó chịu, thậm chí khiến trẻ mất ngủ.
Trẻ nhỏ ở giai đoạn bú mẹ mắc viêm da cơ địa thường bị khô đỏ hai má.
2. Đối phó với viêm da cơ địa ở trẻ em
Trẻ bị viêm da cơ địa cần được chăm sóc và điều trị khắc phục tình trạng khô da và viêm da, từ đó giúp hạn chế đợt bùng phát của bệnh:
- Thuốc mỡ chứa corticoid:
Ở trẻ em thường được chỉ định desonide 0,05%; hydrocortison 2,5% dạng thuốc mỡ... Đây là những thuốc bôi chứa corticoid giúp giảm triệu chứng viêm da trong đợt cấp của bệnh khi da viêm đỏ, có mụn nước và ngứa. Thuốc cần dùng theo chỉ định của bác sĩ, thường từ 1-2 lần mỗi ngày, kéo dài trong khoảng 2 tuần.
Khi sử dụng, nên thoa một lớp thuốc mỏng trên những vùng da đỏ, có mụn, bong vảy và ngứa, xoa cho đến khi thuốc ngấm vào da. Nếu phải bôi 2 lần trong ngày, nên thoa thuốc trước khi đi ngủ và một lần khác trong ngày.
Cần sử dụng đúng chỉ định và liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ. Lưu ý, mỗi loại thuốc bôi corticoid phù hợp với từng vùng da khác nhau, do đó không bôi thuốc dành cho vùng da dày như da bàn tay, chân lên vùng da mỏng như da mặt.
Cần thoa thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giảm nhẹ các triệu chứng khô da và viêm da.
- Sản phẩm dưỡng ẩm:
Dưỡng ẩm rất quan trọng đối với viêm da cơ địa. Để chống khô da cho trẻ mắc viêm da cơ địa, có thể dùng dưỡng ẩm bôi và tắm như sau:
Thoa dưỡng ẩm lên vùng da khô thường xuyên để giảm triệu chứng của viêm da cơ địa. Nên bôi ngay sau khi tắm xong và duy trì nhiều lần trong ngày ngay cả khi tình trạng khô, viêm da đã thuyên giảm.
Không nên tắm nước quá nóng, tránh làm tổn thương thượng bì và tăng mất nước qua da, da càng khop. Tắm bằng nước ấm vừa trong tối đa 10 phút.
Nên lựa chọn sữa tắm dành riêng cho tình trạng viêm da cơ địa hoặc các sản phẩm làm sạch dịu nhẹ, không có hương thơm để hạn chế nguy cơ dị ứng cho trẻ.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamin để giảm ngứa do viêm da cơ địa, giúp trẻ bớt khó chịu. Thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn cũng có thể dùng trong trường hợp xuất hiện triệu chứng của nhiễm khuẩn như tổn thương da chảy dịch nhiều, có mụn mủ… Các loại thuốc này không được tự ý sử dụng mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ.
ThS.BSCKII. Phạm Ngọc Hảo, Ủy viên Ban chấp hành Hội Da liễu Việt Nam chia sẻ về cách điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em.
3. Viêm da cơ địa khám chữa ở đâu?
Viêm da cơ địa là một bệnh da mạn tính. Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được các bác sĩ khám và tư vấn kỹ hơn.
- Một số địa chỉ khám chữa uy tín chuyên điều trị các bệnh da trong đó có viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ bạn có thể tham khảo như:
- Bệnh viện Da liễu Trung ương, 15A, Phương Mai, Hà Nội.
- Bệnh viện Da liễu Hà Nội, 79B P. Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội.
- Khoa Da liễu - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
- Khoa Da liễu - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, số1 Tôn Thất Tùng, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội.
- Bệnh viện Da liễu TP.HCM số 2 Nguyễn Thông, phường 6, quận 3, TP HCM.
- Khoa Da liễu - Bệnh viện Gia An 115 số 05, Đường 17A, Khu phố 11, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM
Quốc Trưởng - theo SKĐS