Sốt phát ban: Nguyên nhân, biểu hiện, đường lây truyền, cách điều trị và phòng bệnh
Sốt phát ban là bệnh lý thường gặp ở nhiều người, nhất là trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu. Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
1. Nguyên nhân sốt phát ban
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh sốt phát ban là do lây nhiễm virus human herpes 6 hoặc 7. Loại virus này có khả năng lây từ người sang người, thông qua tiếp xúc cơ thể với người nhiễm bệnh trước đó, hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân với những người bệnh.
Điều này sẽ làm lây nhiễm virus gây bệnh sốt phát ban. Đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu, không có khả năng đối kháng với tác nhân gây bệnh.
Virus sởi
Sau khi virus sởi xâm nhập trẻ bắt đầu sốt, cơn sốt giảm nhẹ khi có sự xuất hiện của các vết ban. Nốt ban đỏ do virus sởi gây ra có dạng sần, ban đầu xuất hiện ở tai sau đó lan ra mặt và xuống phần dưới của cơ thể. Bên cạnh đó, trẻ còn có thể xuất hiện các triệu chứng đi kèm như: Chảy nước mắt thường xuyên, đỏ mắt, ho, chảy nước mũi,…
Virus rubella
Trong một số trường hợp sự tấn công của virus Rubella có thể gây sốt phát ban ở trẻ. Thông thường, cơn sốt của chủng virus này sẽ kéo dài trong 3 ngày. Sau đó các vết ban xuất hiện từ mặt rồi lan dần xuống chân. Nốt ban này có màu nhạt, phân bố dày đặc. Bên cạnh sốt và phát ban thì trẻ có thể có các biểu hiện như: Hạch cổ, sưng hạch tai, đau khớp, đau cơ,…
Sốt phát ban là bệnh lý thường gặp ở nhiều người, nhất là trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác gây ra bệnh sốt phát ban bao gồm: Sốt phát ban do chấy, rận hay còn gọi là sốt phát ban cổ điển; Sốt phát ban do chuột hay còn gọi là sốt phát ban địa phương do bọ chét chuột; Sốt phát ban do mò mạt hay còn gọi là sốt phát ban bụi rậm.
Tên tác nhân gây bệnh là do Rickettsia prowazekii-một nhóm vi khuẩn có thể được lây truyền sang người qua trung gian một số loài ngoại ký sinh như: bọ chét, chấy rận, ve…
Bệnh sốt phát ban do chấy rận lưu hành ở những vùng khí hậu lạnh với điều kiện sống thấp, kém vệ sinh và chấy rận phát triển. Hiện nay bệnh tồn tại như một bệnh động vật của loài sóc bay (Glaucomys volans) ở Hoa Kỳ và đã có bằng chứng huyết thanh học về những người đã bị nhiễm Rickettsia prowazekii từ ổ nhiễm trùng này qua bọ chét của chúng.
2. Dấu hiệu sốt phát ban
Triệu chứng lâm sàng là sốt cao (39 – 40 độ C), ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau khớp, buồn nôn và mệt mỏi biểu hiện nhiễm độc. Ban xuất hiện nửa người, sau khoảng 2 - 4 ngày thì lan ra toàn thân.
Đối với trẻ nhỏ:
Triệu chứng đầu tiên của trẻ thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt. Có thể chỉ sốt nhẹ khoảng 38 độ, hoặc có thể cao hơn ở mức 40 độ C.
Vào ngày thứ 3 hoặc thứ 4 thì sốt sẽ giảm. Tuy nhiên đây sẽ là thời điểm các nốt phát ban bắt đầu xuất hiện trên da. Các vết ban sẽ có xu hướng lan nhanh, kéo dài khoảng vài ngày. Các nốt này sẽ trông giống như những nốt đỏ lốm đốm trên bề mặt da.
Chúng có thể xuất hiện đột ngột hoặc dần dần, cũng có thể xuất hiện thành từng đám nhỏ hoặc toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên, chúng thường bắt đầu ở vùng đầu mặt trước khi lan sang phần thân, tay chân của trẻ. Các vết này có thể sẽ làm trẻ khó chịu vì chúng gây ngứa.
Đối với người lớn:
Với người lớn, bệnh thường có thời gian ủ bệnh từ trước đó trong khoảng từ 1 – 2 tuần. Sau đó mới gây nên những triệu chứng đột ngột. Điều này khiến bệnh có khả năng kéo dài mãi mới khỏi được bệnh. Trong đó có 3 triệu chứng điển hình, gồm:
- Sốt cao: Cơn sốt thường xuất hiện đột ngột khiến cho nhiệt độ cơ thể cao ở mức 39 độ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp các hiện tượng như: Sổ mũi, ho, viêm kết mạc, đau đầu,…
- Da nổi ban đỏ: Khi mới nổi, các nốt ban sẽ màu hồng nhạt, phẳng hoặc nổi cộm nhẹ trên da. Nốt ban không có tính chu kỳ, thường nổi toàn thân. Trong trường hợp bị nhẹ, các nốt ban có thể chỉ tồn tại vài tiếng, nhưng nếu nặng hơn thì chúng có thể tồn tại đến vài ngày xong mới lặn.
- Sưng hạch: Đây là hiện tượng dễ xảy ra với sốt phát ban ở người lớn khi thấy hạch nổi hoặc sưng ở quai hàm, cổ. Bởi hệ miễn dịch đang phản ứng lại với tác nhân gây bệnh.
Ngoài 3 triệu chứng phổ biến thường gặp trên, người lớn mắc bệnh sốt phát ban có thể bị mệt mỏi, đau tai, viêm họng, chán ăn, tiêu chảy,…
Bệnh sốt phát ban do chấy rận lưu hành ở những vùng có điều kiện sống thấp, kém vệ sinh.
3. Sốt phát ban có lây không?
Sốt phát ban do virus, vi khuẩn nên có thể lây nhiễm. Virus lây từ người sang người thông qua tiếp xúc cơ thể với người nhiễm bệnh hoặc các vật dụng cá nhân của người bệnh.
Bệnh ở trẻ em phần lớn là do lây nhiễm từ cộng đồng, chủ yếu là nhà trẻ, khu đông dân cư và các khu vui chơi. Nhà trẻ, trường học là môi trường thuận lợi cho sự lây bệnh từ trẻ này sang trẻ khác.
4. Phòng ngừa sốt phát ban
Cách phòng ngừa bệnh tốt nhất, hiệu quả nhất chính là tiêm phòng vaccine. Sởi có thể tiêm ngừa khi trẻ được 9 tháng tuổi. Vì vậy phụ huynh cần tiêm đúng và đủ liều theo lịch tiêm.
Với các nguyên nhân khác hiện nay chưa có vaccine vì thế hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh vẫn là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sốt phát ban.
Ở trẻ em, hệ miễn dịch còn yếu nên bệnh dễ lây lan thông qua các tiếp xúc cộng đồng như môi trường ở nhà trẻ, sau đó phát bệnh và có thể lây cho những thành viên khác trong gia đình. Để phòng chống bệnh cần phải phát hiện sớm và cách ly những trẻ có dấu hiệu sốt, ho, phát ban. Đồng thời mọi người cần có thói quen giữ vệ sinh cá nhân để tránh virus dính trên tay và xâm nhập vào cơ thể.
Dùng thuốc đảm bảo để đuổi côn trùng, loại trừ các loài ký sinh trên vật nuôi, tự kiểm tra sau khi thăm các khu vực có véc-tơ bị nhiễm khuẩn, và mặc quần áo bảo hộ để giảm rủi ro.
Ở nơi có bệnh lưu hành địa phương, cần thường xuyên kiểm tra vệ sinh cá nhân, quần áo, giường chiếu và giám sát với động vật chân đốt truyền nhiễm. Những biện pháp phòng ngừa trên đặc biệt quan trọng cho những người sống trong vùng có môi trường kém vệ sinh.
5. Điều trị sốt phát ban
Sốt phát ban có thể tự khỏi sau vài ngày nếu các triệu chứng nhẹ và được chăm sóc tốt. Những việc cần làm khi bị sốt phát ban:
- Để người bệnh được nghỉ ngơi, chăm sóc ở nhà để tránh không lây bệnh cho những người xung quanh.
- Vệ sinh thân thể trẻ hàng ngày bằng cách lau rửa người nhanh bằng nước nước muối ấm. Vệ sinh sạch sẽ làm giảm nguy cơ viêm nhiễm.
- Nên uống nước cam, chanh… nhằm bổ sung dưỡng chất từ các vitamin C tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Hạ sốt, vì sốt cao kéo dài thường dễ gây biến chứng thần kinh, tim mạch. Việc đầu tiên cần làm khi bị bệnh là phải hạ sốt đúng cách. Có thể dùng thuốc hoặc chườm khăn mát. Nếu dùng thuốc cần chú ý liều lượng và nên sử dụng paracetamol để hạ sốt theo hướng dẫn của thầy thuốc.
- Sử dụng thuốc hoặc các biện pháp khác để giảm ho, thông mũi, giảm đau họng khi có triệu chứng kèm theo.
- Bù nước, điện giải nếu người bệnh bị tiêu chảy mất nước.
- Với trường hợp bội nhiễm có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao, co giật cần sớm đưa vào bệnh viện để kịp thời chữa trị.
- Chăm sóc tốt là một phương pháp giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe cho người bệnh, đặc biệt là ở trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu. Bố mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ có các triệu chứng xấu của bệnh sốt phát ban.
Quốc Trưởng – theo SKĐS