Sỏi thận: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh
Sỏi thận là bệnh lý sỏi tiết niệu thường gặp ở nam giới trung niên. Sỏi thận là loại sỏi hình thành trên đường tiết niệu.
Đây là hệ quả của sự kết tinh chất khoáng trong nước tiểu và lắng đọng lại tại thận, lâu ngày kết tụ tạo thành sỏi.
1. Tổng quan về sỏi thận
Sỏi thận được hình thành theo nhiều cách khác nhau. Canxi có thể kết hợp với các chất hóa học khác, như oxalat hoặc phốt pho có trong nước tiểu để trở thành sỏi. Sỏi thận cũng có thể hình thành do sự tích tụ acid uric bắt nguồn từ rối loạn quá trình chuyển hóa protein trong cơ thể.
Sỏi thận là bệnh lý sỏi tiết niệu thường gặp ở nam giới trung niên. Sỏi thận là loại sỏi hình thành trên đường tiết niệu. Ảnh minh họa
Khi hệ tiết niệu bắt đầu hiện tượng lắng và kết tinh sỏi, những tinh thể và viên sỏi nhỏ thường đi theo đường tiểu và được bài tiết ra ngoài. Tại một vị trí nào đó trên đường niệu, tinh thể hoặc viên sỏi bị vướng lại, tiếp tục lắng và kết tinh tạo thành những viên sỏi kích thước lớn hơn.
Tại đây, sỏi kích thước lớn dần, có thể làm cản trở dòng lưu thông của nước tiểu dẫn tới ứ đọng nước tiểu, giãn phình ở phần trên vị trí tắc nghẽn. chính tại vị trí này, sẽ xảy ra nhiều biến chứng như nhiễm trùng, kết tinh và hình thành thêm các loại sỏi khác nhau… phá hủy dần dần cấu trúc.
2. Nguyên nhân gây sỏi thận
Có nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận. Đó là:
- Uống không đủ nước, khiến nước tiểu quá đặc. Nồng độ các tinh thể bị bão hòa trong nước tiểu.
- Chế độ ăn nhiều muối, nhiều đạm.
- Bổ sung Calcium, Vitamin C quá nhiều khiến thận bị quá tải
- Mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tiêu chảy… dễ hình thành sỏi.
- Yếu tố di truyền.
- Ở những người bẩm sinh hoặc mắc phải, có dị dạng đường tiết niệu, khiến đường tiểu bị tắc nghẽn.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Béo phì.
3. Dấu hiệu khi bị sỏi thận
Cấu trúc đường tiết niệu của bạn không được thiết kế để loại bỏ các chất thải rắn, do đó không có gì ngạc nhiên khi sỏi thận xuất hiện, mắc kẹt trong đường tiết niệu, gây cảm giác rất đau, đến mức người ta gọi đó là "cơn đau bão thận" hoặc "cơn đau quặn thận".
Sỏi gây đau ở vùng hố thắt lưng một bên, lan ra phía trước, xuống dưới. Đó là khi khởi phát, xuất hiện rất đột ngột, sau khi có một hoạt động gắng sức. Sau đó cường độ đau mạnh hơn. Người bệnh thường đau quằn quại, vật vã để tìm một tư thế giảm đau nhưng không được.
Triệu chứng đi kèm theo cơn đau sỏi thận là buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng do liệt ruột. Bệnh nhân có thể bị sốt, rét run nếu có nhiễm trùng tiết niệu kết hợp.
Các trường hợp sỏi có bề mặt nhám, gai san hô… khi cọ xát vào đường tiểu thì gây tiểu ra máu. Bình thường sỏi thận không gây ra hiện tượng này. Tuy nhiên, do bệnh nhân hoạt động nhiều, hoặc vận động mạnh thì gây tiểu ra máu.
Bế, tắc đường tiểu: Bao gồm bí tiểu, bế tắc thận, thận ứ nước căng to. Vì các dấu hiệu này tương tự với nhiều bệnh khác nên cần thăm khám với bác sĩ có chuyên môn để phân tích nguyên nhân và chẩn đoán.
4. Điều trị sỏi thận
Để chẩn đoán bệnh sỏi thận một cách chính xác và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, bệnh nhân sẽ phải thực hiện nhiều biện pháp xét nghiệm cận lâm sàng (4). Đó là:siêu âm, xét nghiệm nước tiểu, soi cặn lắng, PH nước tiểu, protin niệu, tìm tế bào và vi trùng, chụp Xquang, nội soi bàng quang…
- Điều trị dự phòng: Bệnh nhân nên uống nhiều nước và thường xuyên vận động, nhảy dây là một lựa chọn rất tốt. Vì sỏi thận thường dính vào trong niêm mạc thận, khi vận động (nhất là nhảy dây) có thể rời ra và tăng cơ hội tự đào thải, nhất là những sỏi đài dưới.
- Điều trị nội khoa để giảm các cơn đau quặn thận do sỏi. Bác sĩ thường sử dụng thuốc kháng viêm không steroid trong các trường hợp này, tiêm tĩnh mạch Diclofenac (Voltarene ống 75mg). Một số trường hợp không có hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc việc sử dụng Morphin.Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, thường được sử dụng nhiều là kháng sinh .
- Phẫu thuật: Khi điều trị nội khoa không hiệu quả với các cơn đau quặn thận, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật sớm để giải quyết tắc nghẽn. Tùy cơ địa bệnh nhân, số lượng và kích thước sỏi; tình trạng chức năng thận từng bên… bác sĩ sẽ quyết định dẫn lưu tối thiểu bể thận qua da, hoặc mổ cấp cứu.
Việc phát hiện sớm và chủ động đào thải sỏi thận ra bên ngoài bằng các cách tự nhiên luôn là việc nên làm trước khi chúng gây ra biến chứng nặng nề.
5. Cách hạn chế bị sỏi thận
Việc phát hiện sớm và chủ động đào thải sỏi thận ra bên ngoài bằng các cách tự nhiên luôn là việc nên làm trước khi chúng gây ra biến chứng nặng nề.
Nên làm gì khi bị sỏi thận
- Uống nhiều nước: Lượng nước uống hàng ngày cần thiết là trên 2 lít (tương đương 12 cốc nước), việc uống nhiều nước có thể hạn chế được 50% bệnh sỏi thận tái phát. Đặc biệt trong nước chanh có nhiều chất xitrat là chất hạn chế ngưng kết oxalate và can xi trong nước tiểu, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi .
- Ăn thức ăn có giàu canxi: Canxi có nhiều trong sữa, fomate, trứng…, khi chúng ta ăn kiêng các thức ăn chứa nhiều canxi dẫn đến nguy cơ mắc bệnh sỏi thận oxalate gia tăng, vì canxi trong thức ăn sẽ kết hợp với oxalate trong đường tiêu hóa và được đào thải ra ngoài. Lượng canxi được khuyến nghị ăn hàng ngày là từ 1000-1200 mg/1 ngày (tương đương khoảng 2-3 cốc sữa). Trái lại can xi bổ sung (sử dụng uống bổ xung trong loãng xương) là yếu tố gây tăng nguy cơ bệnh sỏi thận.
Cần hạn chế gì khi bị sỏi thận
- Hạn chế nước ngọt có ga và nước đường: Trong nước ngọt có ga chứa chất acid phosphoric là nguyên nhân hình thành sỏi thận, bện cạnh đó có hàm lượng fructose, fructose đã được chứng minh là làm tăng bài tiết nước tiểu có các tinh thể: canxi, oxalate , và axit uric, do đó làm tăng nguy cơ sỏi thận.
- Hạn chế ăn thịt đỏ: Thịt đỏ, nội tạng động vật và động vật có vỏ, có chứa 1 lượng lớn hợp chất hóa học tự nhiên gọi là purine, lượng purine cao sẽ dẫn đến sản xuất acid uric cao, làm tăng bài tiết acid uric trong nước tiểu, tạo sỏi acid uric.
- Hạn chế ăn mặn: Chỉ nên ăn 2-3gr muối /1 ngày, ăn nhiều muối (nacl) dẫn đến tăng natri, khi tăng natri trong máu làm tăng đào thải canxi ra nước tiểu (vì natri và can xi cùng chia nhau cơ chế vận chuyển trong thận), nghiên cứu cho thấy: nếu ăn tăng 100 mmol nacl trong thức ăn thì sẽ bài tiết ra nước tiểu tăng 25 mg canxi, gây tăng nguy cơ bệnh sỏi thận. Bên cạnh đó natri cao gây ảnh hưởng không tốt cho bệnh lý tim mạch và huyết áp.
- Hạn chế rượu: vì rượu là nguyên nhân gây mất nước, nguy cơ sỏi thận tăng.
- Tránh bổ sung vitamin C liều cao: Oxalate là sản phẩm cuối cùng của chuyển hóa vitamin C, Nên uống 60mg / ngày vitamin C dựa trên chế độ ăn uống , nếu bạn muốn uống vitamin C bổ sung, không được quá 500mg/ 1 ngày, lượng dư thừa 1000mg / ngày trở lên có thể tạo ra nhiều oxalate trong cơ thể, tạo sỏi thận oxalate.
Quốc Trưởng – Theo SKĐS