Rước hại vì mua thuốc online
Không ít người bệnh vì tin vào quảng cáo, tư vấn trên các trang mạng đã tự mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh, gây hại sức khỏe.
Nguy cơ bủa vây
Nhiều bệnh nhân vảy nến sử dụng các sản phẩm thuốc bôi, uống mua qua mạng xã hội dẫn tới vảy nến bùng phát gây đỏ da toàn thân nguy hiểm.
Những lời quảng cáo có cánh trên các trang mạng khiến nhiều người sập bẫy.
Thông tin từ Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, vừa qua, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nam 18 tuổi đến khám trong tình trạng đỏ da, tróc vảy toàn thân. Bệnh nhân bị vảy nến khoảng 1 năm nay.
Cách nhập viện khoảng hơn 1 tháng, bệnh nhân có thấy quảng cáo trên mạng về một loại viên uống và kem bôi có thể trị dứt điểm bệnh vảy nến.
Bệnh nhân đã đặt mua liệu trình 3 hộp với giá 600.000 đồng. Sau khi sử dụng hết liệu trình đầu tiên, tình trạng vảy nến cải thiện rõ rệt nhưng khi ngưng uống 5 ngày thì da đỏ tróc vảy tăng dần và lan ra toàn thân kèm ngứa, da căng, đau nhức, mệt mỏi, sốt kèm ớn lạnh.
Một trường hợp khác là bệnh nhân nam 49 tuổi nhập viện vì da nổi đỏ tróc vảy lan rộng. Bệnh nhân cho biết bản thân bị vảy nến 18 năm nay, khám và điều trị không liên tục.
Khoảng 2 năm trước, bệnh nhân có lên mạng xã hội và biết thông tin về một người tự giới thiệu chuyên điều trị bệnh vảy nến nên đã liên hệ đặt lịch khám và điều trị. Bệnh nhân được người này cho thoa và uống thuốc không rõ loại liên tục, thời gian đầu sang thương da giảm đỏ giảm vảy nhiều.
Tuy nhiên, bệnh nhân tự thấy da mỏng hơn, mặt và bụng cũng phù lớn hơn. Khi ngưng uống và thoa thuốc thì da đỏ và tróc vảy nặng lên dần và lan ra toàn thân nên đến bệnh viện thăm khám, điều trị.
Đỏ da toàn thân vảy nến là tình trạng vảy nến nặng nề nhất thường do bệnh nhân không điều trị gì hay điều trị không đúng cách khiến cho tổn thương vảy nến lan rộng dần thành đỏ da toàn thân.
Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi hoặc suy tim… từ đó có thể dẫn đến tử vong.
Mới đây, vì lý do cá nhân nên một cô gái 19 tuổi ở Hà Nội tự ý mua thuốc phá thai trên mạng để uống và phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. May mắn được cứu sống nhưng những biến chứng về sau cũng sẽ rất nguy hiểm đối với trường hợp trên.
Hay như mới đây, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tiếp nhận một bệnh nhân nữ (52 tuổi), được phát hiện có khối u tại vú phải, được chỉ định phẫu thuật cách đây 1 năm, nhưng bệnh nhân không nhập viện điều trị, mà nghe lời “thần y” trên mạng, uống thuốc nam và đắp lá.
Đến nay, không những bệnh không khỏi mà khối u tăng kích thước, sùi loét, hoại tử, bệnh đã tiến triển giai đoạn 3C, hạch hố nách phải gồm nhiều hạch dính thành chùm. Bệnh nhân gầy mòn, suy kiệt, phải truyền máu và kết hợp xạ trị, hóa chất điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng mới có thể phẫu thuật.
Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, một người bệnh 25 tuổi, đã uống thuốc “gia truyền” 20 ngày mà theo quảng cáo là chữa vô sinh. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân mệt mỏi, men gan tăng gấp 20 lần so với bình thường, trong khi bình thường men gan chỉ tăng 2-3 lần đã là nguy hiểm.
Bệnh nhân tới sớm nên chưa tổn thương nặng tới mức vàng da, vàng mắt. Qua xét nghiệm cho thấy bệnh nhân không bị viêm gan siêu vi B, C, HIV, tình trạng men gan tăng cao là do gan bị nhiễm độc thuốc Nam.
Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã từng tiếp nhận bệnh nhân nam 56 tuổi, mắc tiểu đường lâu năm, đồng thời mắc viêm gan B, ung thư gan, sử dụng thuốc điều trị tiểu đường.
Bệnh nhân này nghe theo thần y mạng đã bỏ điều trị, chuyển sang uống thuốc Nam (4 viên/ngày); gói thuốc không rõ thành phần, bao bì, nơi sản xuất, cũng không có chứng nhận cấp phép, nhưng quảng cáo có công dụng điều trị tiểu đường và suy thận.
Vài ngày đầu, chỉ số đường huyết của bệnh nhân có giảm, nhưng càng ngày càng mệt mỏi, ăn uống kém, cuối tháng bệnh nhân vào viện trong tình trạng huyết áp tụt, ý thức chậm, thở nhanh, đau bụng... Các chỉ số xét nghiệm đều rất kém, đe dọa ngừng hô hấp, ngừng tim.
Không chỉ đe dọa tính mạng, thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong do dùng thuốc (có chứa chất cấm) mua qua mạng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, thường xuyên tiếp nhận không ít trường hợp biến chứng nặng, thậm chí tử vong do uống tiểu đường hoàn.
Không mua thuốc không rõ nguồn gốc
Được biết, Điều 32, 33, Luật Dược năm 2016 quy định thuốc là loại hàng hóa đặc biệt. Cơ sở bán lẻ thuốc chỉ bao gồm bốn hình thức: Nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã/phường/thị trấn; cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.
Ngoài ra, nhà thuốc tư nhân phải có địa điểm, khu vực bảo quản, trang thiết bị bảo quản, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc.
Đối với cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền thực hiện theo Điều 69 luật này phải tuân thủ quy định về địa điểm, khu vực bảo quản, trang thiết bị bảo quản, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự.
Luật Dược năm 2016 cũng quy định người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc phải có bằng tốt nghiệp đại học ngành dược và có hai năm thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp…
Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, cho nên quy định về việc bán lẻ thuốc được quy định rất chặt chẽ.
Không phải ai cũng có thể bán thuốc. Vì thế người dân cần cảnh giác với các loại thuốc bán trên mạng bởi không được cơ quan chức năng chứng nhận, cấp phép, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không bảo đảm về chất lượng.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để tránh tiền mất tật mang có thể nguy hiểm đến tính mạng người dân cần hết sức cảnh giác với quảng cáo rầm rộ về thuốc đặc trị, cam kết chữa khỏi những bệnh trên, đồng thời cần nhận biết quảng cáo mang những nội dung trái với quy định.
Người bệnh cần đến các cơ sở uy tín để được thăm khám, tư vấn điều trị và sử dụng thuốc một cách khoa học theo đúng phác đồ của bác sĩ, dược sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc và sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ để tránh hậu quả nghiêm trọng
Quốc Trưởng (Nguồn: baodautu)