Rối loạn tiền đình có chữa được không?
Rối loạn tiền đình với các triệu chứng đặc hiệu như chóng mặt, xoay tròn, mất thăng bằng… Bệnh gây khó chịu mệt mỏi, làm tăng nguy cơ ngã và gây khó khăn trong sinh hoạt. Vậy bệnh có chữa được không?
Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm chứng rối loạn tiền đình, nên người bệnh thường phải sống chung thân với bệnh. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị sẽ hạn chế các triệu chứng, nâng cao chất lượng sống và ngăn ngừa cơn rối loạn tiền đình cấp.
Tùy từng căn nguyên gây bệnh và triệu chứng của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Thời gian điều trị bệnh phụ thuộc vào mức độ bệnh, khả năng đáp ứng thuốc của mỗi bệnh nhân.
Phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị nội khoa và thay đổi lối sống. Việc dùng thuốc phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ nội thần kinh. Là một bệnh rất dễ tái phát, do đó dùng thuốc vừa để điều trị các triệu chứng của cơn cấp, vừa để giảm thiểu cơn cấp tái phát.
Rối loạn tiền đình là bệnh khá nguy hiểm, không những gây khó khăn trong sinh hoạt của người bệnh mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm:
- Dễ trầm cảm.
- Dễ bị té ngã.
- Tăng nguy cơ đột quỵ, tai biến...
1. Thuốc nào trị rối loạn tiền đình?
Các triệu chứng của rối loạn tiền đình.
Một số thuốc dưới đây thường được dùng trong điều trị rối loạn tiền đình:
- Các thuốc điều trị chóng mặt: Acetyl leucin (tanganil), flunarizin (sibelium), cinnarizin (stugeron)... Các thuốc này điều trị các triệu chứng ù tai, chóng mặt, buồn nôn…
- Các thuốc giảm buồn nôn: Domperidol (motilium, mutecium), metoclopramide, các kháng histamine (scopolamine, dimenhydrinate hoặc promethazine)… có tác dụng cải thiện tình trạng buồn nôn, chóng mặt nhưng gây buồn ngủ, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa… Để hạn chế tác dụng phụ này nên dùng thuốc sau khi ăn no.
- Các thuốc hỗ trợ tăng cường tuần hoàn não như: Các thuốc hỗ trợ như magie B6, piracetam, ginkgo biloba, almitrin-raubasin, betahistine… có tác dụng tăng cường máu lên não, giúp giảm tình trạng hoa mắt, chóng mặt.
- Thuốc ức chế canxi: Ví dụ như flunarizin trong nhóm thuốc này có công dụng giảm thiểu triệu chứng đau nửa đầu, chóng mặt, thiểu năng tuần hoàn não. Thuốc có tác dụng phụ là gây ngủ rũ, rối loạn tiêu hóa, tăng nguy cơ trầm cảm. Hơn nữa, thuốc cũng tác động tới hệ thần kinh và làm tăng các triệu chứng ở người bệnh Parkinson.
- Nhóm benzodiazepines: Là nhóm thuốc an thần, có tác dụng giảm lo lắng, giúp trấn tĩnh và ổn định tinh thần và hỗ trợ giấc ngủ. Từ đó sẽ giúp giảm tình trạng hoa mắt, chóng mặt. Thuốc chỉ dùng trong những ngày bắt đầu điều trị, không dùng trong thời gian dài vì nguy cơ lệ thuộc thuốc.
Lưu ý khi dùng thuốc:
- Bệnh nhân cần kiên trì dùng thuốc đầy đủ theo thời gian (có thể kéo dài) theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngừng thuốc khi thấy triệu chứng thuyên giảm.
- Tái khám đúng hẹn rất quan trọng, sẽ giúp bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh hoặc điều chỉnh thuốc khi cần thiết.
- Ngoài dùng thuốc, bệnh nhân cũng cần tuân thủ các bước hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn, luyện tập, sinh hoạt hằng ngày... sẽ tăng hiệu quả điều trị và hạn chế nguy cơ tái phát.
2. Các biện pháp hỗ trợ điều trị
Cần dùng thuốc điều trị đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh.
Trong điều trị rối loạn tiền đình, ngoài các thuốc giảm triệu chứng, người bệnh cần thực hiện nếp sống lành mạnh cũng là biện pháp rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh:
- Tập luyện ở mức độ phù hợp với tình trạng sức khỏe sẽ giúp người bệnh tăng cường sức khỏe, hỗ trợ phục hồi hệ thống tiền đình. Các bài tập nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, không nên tập luyện quá sức.
- Thay đổi tư thế làm việc, nhất là với người làm văn phòng.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Tránh tiêu thụ thực phẩm quá mặn, ngọt; hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, caffeine...
- Bỏ hút thuốc chủ động và thụ động: Chất nicotine có trong thuốc lá sẽ gây nguy cơ xơ vữa động mạch, giảm lưu lượng máu chảy tới vùng tai trong và gây rối loạn tiền đình.
Quốc Trưởng – Theo SKĐS