Rối loạn lo âu vì lạm dụng thuốc an thần
Nghẹt mũi kéo dài gây khó ngủ mỗi đêm nên chị P. lạm dụng thuốc an thần, sau 1 năm, bị rối loạn lo âu.
Chị T.K.P. (42 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) nghẹt mũi kéo dài. Cách đây ba năm, chị được chẩn đoán viêm mũi dị ứng mạn tính, cơ địa nhạy cảm. Chị uống thuốc nghẹt mũi nhưng bệnh tái phát thường xuyên mỗi khi thời tiết thay đổi, giao mùa hay bất cứ khi nào gặp dị nguyên (chất gây dị ứng).
Để phòng ngừa viêm mũi dị ứng mạn tính, người bệnh nên quản lý tốt nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm mũi mạn tính do dị ứng, người bệnh cần tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa…
Nghẹt mũi kéo dài ảnh hưởng nhiều đến công việc. Chị P. không tự tin khi gặp đối tác, hiệu suất công việc giảm. Có những ngày, ở văn phòng, chị chảy nước mũi, hắt hơi gần 20 phút, ảnh hưởng đến những đồng nghiệp xung quanh.
Lúc mới nghẹt mũi, chị thỉnh thoảng sử dụng thuốc nhỏ mũi co mạch để tập trung công việc, tham gia các cuộc họp kéo dài, khoảng 2 lần/tuần.
Gần hai năm nay, chị P. sử dụng thuốc nhỏ mũi co mạch mỗi ngày, luôn mang theo bên người, sử dụng khoảng 7-8 lần/ngày. Số lần dùng thuốc tăng dần theo số lần nghẹt mũi. Thậm chí, nhỏ thuốc trở thành thói quen nên thỉnh thoảng, chị lại nhỏ cho mỗi bên mũi vài giọt.
Gần hai năm nay, chị P. chưa từng có giấc ngủ ngon vì mũi bị nghẹt, khó thở, kích ứng rất khó chịu. Vì ngủ không đủ giấc, mất ngủ nên ngày hôm sau, chị không thể tập trung làm việc, hiệu suất công việc giảm. Cách đây 1 năm, chị bắt đầu sử dụng thuốc an thần để an giấc mỗi đêm.
“Nghẹt mũi vì bị cảm cúm 1-2 đêm đã rất khó chịu, không ngủ được. Đằng này, tôi nghẹt mũi suốt 3 năm qua. Từ một người lạc quan, vui vẻ, tôi trở thành người tiêu cực, cau có, khó chịu”, chị P. nói.
Gần đây, chị thường cảm thấy hoảng loạn, hồi hộp, lo sợ vô cớ, tim đập nhanh, ám ảnh một việc quá nhiều, khó tập trung nên đi khám chuyên khoa tâm thần.
Bác sĩ chẩn đoán chị P. rối loạn lo âu. Chị được điều trị bằng phương pháp tâm lý trị liệu, chưa dùng thuốc, được khuyến khích tham gia các lớp yoga, thiền, đi bộ nhẹ nhàng. Chị có những buổi trò chuyện tâm lý để hiểu rõ hơn về một số khó khăn, vấn đề của bản thân.
Từ các buổi trò chuyện với bác sĩ tâm lý, chị nhận ra chị không thể lạm dụng mãi thuốc nhỏ mũi co mạch như hiện tại. Chị đến gặp bác sĩ tại bệnh viện.
Thạc sĩ bác sĩ CKI Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, sau khi nội soi tai mũi họng, chẩn đoán chị P. phì đại cuốn mũi dưới, gây nghẹt mũi kéo dài.
Bác sĩ Nguyên giải thích, ban đầu chị P. viêm mũi dị ứng với những triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi khi thời tiết giao mùa, khi bị kích ứng bởi dị nguyên.
Nhưng khi xảy ra thường xuyên, chị bắt đầu dùng thuốc nhỏ mũi co mạch để giảm triệu chứng. Chị P. lạm dụng thuốc nhỏ mũi gần 2 năm qua khiến cuốn mũi giãn nở to liên tục, không còn co lại được, gây quá phát cuốn mũi, phải phẫu thuật chỉnh hình cuốn mũi.
“Trường hợp chị P. vừa lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch, vừa lạm dụng thuốc an thần để ngủ ngon, gây bệnh chồng bệnh”, bác sĩ Nguyên nói.
Thuốc nhỏ mũi co mạch khi tiếp xúc với niêm mạc mũi, lập tức có tác dụng co mạch, giảm sung huyết làm cho mũi thông thoáng, giảm nghẹt mũi, dễ thở ngay lúc đó nhưng sau đó, dồn máu trở lại, làm tắc mũi, buộc phải tiếp tục dùng thuốc.
Nếu dùng thuốc liên tục nhiều lần hoặc vài lần mỗi ngày thì sau nhiều tuần, thuốc sẽ giảm hiệu quả, đồng thời niêm mạc mũi phù nề, kém nhạy cảm nên người bệnh phải dùng nhiều hơn. Từ đó gây nên một vòng luẩn quẩn, khiến người bệnh nghiện thuốc.
Bác sĩ Trung Nguyên cho biết, viêm mũi mạn tính với những triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, khó thở… thật sự rất khó chịu với người bệnh, chất lượng cuộc sống giảm rất nhiều, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thể chất cũng như cảm xúc, sức khỏe và tâm lý người bệnh. Đó cũng là lý do nhiều người bệnh lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch, dù biết điều đó không tốt nhưng để “qua cơn, cắt cơn”.
Bác sĩ Nguyên phẫu thuật nội soi, giảm kích thước của cuốn mũi dưới, cải thiện luồng không khí qua mũi cho chị P. Vì lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch gần 2 năm qua, niêm mạc chị mũi phù nề, sung huyết, khi phẫu thuật, mao mạch máu chảy nhiều hơn một số người bệnh khác.
Sau 2 lần tái khám, chị P. cải thiện tình trạng nghẹt mũi, khó thở. Chị vẫn đang điều trị rối loạn lo âu với bác sĩ chuyên khoa, tình trạng hồi hộp, lo sợ vô cớ cũng giảm dần.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, nếu người bệnh nghẹt mũi kéo dài khoảng 2-3 tuần nên đi khám đúng chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ phát hiện kịp thời, chẩn đoán và điều trị hiệu quả ngay từ đầu. Hạn chế tình trạng không khám đúng chuyên khoa nên bệnh điều trị không hiệu quả, gây bệnh chồng bệnh.
Về thuốc nhỏ mũi, người bệnh phải được bác sĩ kê đơn, không được tự ý sử dụng mà không có sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Khi dùng thuốc nhỏ mũi liên tục 5 ngày không đỡ, người bệnh cần ngừng thuốc và tái khám để bác sĩ theo dõi điều trị.
Người bệnh không được lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch vì thuốc còn ảnh hưởng tới tim mạch, đặc biệt bệnh cao huyết áp, viêm xoang, viêm tai giữa, đau đầu, ảnh hưởng tới trí tuệ…
Ở người có cơ địa viêm mũi dị ứng, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, cấu trúc cuốn mũi bẩm sinh… vốn đã rất dễ bị quá phát cuốn mũi nên khi lạm dụng thuốc càng có nguy cơ phải phẫu thuật.
Để phòng ngừa viêm mũi dị ứng mạn tính, người bệnh nên quản lý tốt nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm mũi mạn tính do dị ứng, người bệnh cần tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa…
Hiện nay, xét nghiệm 60 dị nguyên giúp người bệnh biết chính xác người bệnh dị ứng với dị nguyên nào để từ đó phòng ngừa và kiểm soát bệnh tốt hơn.
Nếu viêm mũi dị ứng do nhiễm ký sinh trùng, người bệnh cần vệ sinh nơi ở và vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày; tránh để cảm cúm, viêm mũi tái phát nhiều lần; nên đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Quốc Trưởng – Theo ĐTO