Polyp dạ dày có nguy hiểm không?
Polyp dạ dày là các khối u của các tế bào hình thành trên lớp lót bên trong dạ dày. Những polyp này khá hiếm và thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu nào.
Polyp dạ dày thường được phát hiện khi bác sĩ kiểm tra vì một số lý do khác. Hầu hết các polyp dạ dày thực sự không trở thành ung thư. Tuy nhiên, một số loại có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày trong tương lai. Dựa trên loại polyp dạ dày bạn có, việc điều trị có thể liên quan đến việc loại bỏ polyp hoặc theo dõi sự thay đổi của nó.
Nguyên nhân gây polyp dạ dày, ai dễ mắc ?
Nguyên nhân gây ra polyp dạ dày có thể do nhiều lý do khác nhau. Theo đó bất cứ yếu tố gì làm cho các tế bào dạ dày trở nên phát triển bất thường đều có thể dẫn đến hình thành polyp. Một số nguyên nhân gây ra polyp dạ dày đã ghi nhận nhiều bằng chứng nguy cơ, bao gồm:
- Tình trạng viêm dạ dày mạn tính.
- Nhiễm Helicobacter pylori.
- Thiếu máu ác tính.
- Tổn thương niêm mạc dạ dày kéo dài, chẳng hạn như do loét.
- Sử dụng thuốc ức chế bơm proton kéo dài như Omeprazole.
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò hình thành polyp. Một người có thể có nguy cơ mắc polyp dạ dày cao hơn nếu trong gia đình đã có người từng mắc. Đồng thời khả năng mắc bệnh cũng tăng nếu có các bệnh lý di truyền trên đường tiêu hóa khác.
Ai cũng có thể mắc polyp dạ dày, nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, chúng có khuynh hướng trở nên phổ biến hơn ở người già và đặc biệt ảnh hưởng đến những người trên 65 tuổi. Trong khi đó một số loại polyp nhất định, chẳng hạn như polyp tuyến thường được tìm thấy ở phụ nữ trung niên.
Dấu hiệu của polyp dạ dày
Polyp dạ dày thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi một polyp dạ dày to lên, vết loét mở có thể phát triển trên bề mặt của nó. Hiếm khi polyp có thể chặn đường thông giữa dạ dày và ruột non. Nếu tắc nghẽn xảy ra, các dấu hiệu và triệu chứng polyp dạ dày bao gồm:
- Đau hoặc đau khi nhấn vào bụng.
- Buồn nôn.
- Máu trong phân.
- Thiếu máu.
Polyp dạ dày là các khối u của các tế bào hình thành trên lớp lót bên trong dạ dày.
Polyp dạ dày có gây nguy hiểm không?
Tùy theo người bệnh bị mắc loại polyp nào mà mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tùy thuộc vào loại polyp.
Nếu là polyp tăng sản: Là loại polyp hay gặp nhất, có liên quan mật thiết đến bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn HP. Những polyp này thường không có nguy cơ tái phát và hiếm khi tiến triển thành ung thư.
Polyp có kích thước dưới 0.5 cm: Có thể theo dõi mà không cần cắt bỏ, điều trị vi khuẩn HP.
Polyp có kích thước từ 0.5 cm trở lên: Cắt bỏ qua nội soi và điều trị vi khuẩn HP.
Với trường hợp này các bác sĩ sẽ khuyến cáo người bệnh nên định kỳ nội soi sau mỗi 6 tháng để kiểm tra tình trạng nhiễm vi khuẩn HP và đánh giá hiệu quả điều trị.
Nếu là polyp tế bào tuyến đáy: Hay gặp ở những bệnh nhân sử dụng thuốc PPI để giảm acid dạ dày. Những polyp lớn hơn 1cm, bị loét bề mặt hoặc ở vùng hang vị nên được cắt bỏ và làm sinh thiết. Những polyp càng lớn thì khả năng ung thư hóa càng cao.
Đối với loại đa polyp tuyến liên quan đến gia đình: Mang yếu tố di truyền, khá hiếm gặp. Những dấu hiệu sau có khả năng là đa polyp tuyến liên quan đến gia đình:
- Phát hiện polyp trước tuổi 40.
- Đa polyp: Có nhiều polyp.
- Polyp ở vùng hang vị.
- Đồng thời có polyp ở tá tràng hay những vị trí khác trên đường tiêu hóa.
Những bệnh nhân này nên được nội soi toàn bộ đường tiêu hóa để kiểm tra. Nếu đã chẩn đoán đa polyp tiêu hóa, những người thân trong gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột và con ruột) cũng nên được thăm khám để tầm soát bệnh (nếu có).
Đối với polyp u tuyến: Polyp u tuyến có khả năng cao là tiền thân của ung thư dạ dày. Thường liên quan đến viêm teo dạ dày hay viêm dạ dày mạn. Loại polyp này có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu trong dạ dày nhưng thường được tìm thấy trong hang vị.
Đối với polyp u tuyến khi phát hiện ra đều nên được cắt bỏ. Sau cắt bỏ u tế bào tuyến nên theo dõi bằng cách nội soi dạ dày mỗi năm một lần.
Polyp dạ dày là bệnh lý gây nhiều lo lắng cho người bệnh. Những polyp có kích thước lớn, polyp dạng tuyến hay polyp u tuyến có khả năng ác tính cao đều cần được loại bỏ. Theo dõi bằng nội soi dạ dày theo hướng dẫn của bác sĩ để tầm soát polyp tái phát và giúp phát hiện sớm những tổn thương tiền ung thư.
Tùy thuộc vào từng cá nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tích cực. Việc điều trị nếu chỉ là một sang thương đơn độc, kích thước nhỏ thì polyp dạ dày có thể được loại bỏ ngay trong lúc nội soi. Nếu các polyp có số lượng nhiều, kích thước lớn hoặc hình dạng đại thể khác biệt, chẩn đoán ung thư khó loại trừ, việc loại bỏ trong khi nội soi là khó thực hiện, bác sĩ sẽ xem xét đến chỉ định phẫu thuật.
Tóm lại: Polyp dạ dày là những khối tăng trưởng bất thường tại lớp niêm mạc trong thành dạ dày. Nguyên nhân gây ra polyp dạ dày hiện vẫn chưa rõ, mặc dù không gây ra triệu chứng gì nhưng một số trường hợp có thể tiến triển đến ung thư. Do đó, việc thăm khám định kỳ và tầm soát, nhất là các đối tượng từ tuổi trung niên hay có nguy cơ cao là cần thiết.
Theo SKĐS