Muốn bổ gan, nên bổ sung những loại vitamin nào?
Gan đóng nhiều vai trò quan trọng trong việc bảo tồn sức khỏe của chúng ta. Ăn các loại thực phẩm giàu vitamin có lợi giúp bổ gan giúp ngăn ngừa và đẩy lùi một số bệnh về gan cũng như bảo vệ sức khỏe tổng thể.
1. Vai trò quan trọng của gan đối với cơ thể
Gan là cơ quan nội tạng có khối lượng lớn nhất cơ thể. Gan được xem như một "nhà máy diệu kỳ" với cấu trúc phức tạp và hơn 500 chức năng khác nhau liên quan tới hệ bài tiết, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa,... giúp cơ thể hoạt động trơn tru và khỏe mạnh.
Gan là trung tâm điều hòa và chuyển hóa các chất dinh dưỡng cũng như chất độc nạp vào cơ thể. Gan thực hiện các công việc như: chuyển hóa, khử độc, bài tiết và dự trữ. Gan là cơ quan đầu tiên kiểm soát, tiếp nhận các chất dinh dưỡng và độc tố được hấp thụ từ hệ thống tiêu hóa cho nên nó còn được gọi là "nhà máy lọc máu" chính và quan trọng nhất của cơ thể con người. Thậm chí gan còn đảm nhiệm nhiều chức năng mà không một cơ quan nào có thể làm thay được.
Gan là trung tâm điều hòa và chuyển hóa các chất dinh dưỡng cũng như chất độc nạp vào cơ thể.
Gan có khả năng cân bằng hàm lượng các chất đường, đạm, mỡ và cholesterol, triglycerid trong cơ thể. Các chất hấp thu từ thức ăn, nước uống và tất cả các nhiên liệu trước tiên sẽ phải đi qua gan để được thanh lọc và chế biến thành những vật liệu khác nhau giúp nuôi dưỡng cơ thể và đào thải các chất có hại ra ngoài.
Vì vậy, các tế bào gan cũng sẽ dễ dàng bị tổn thương bởi các loại virus, chất độc tấn công làm suy giảm chức năng gan. Khi rơi vào tình trạng này, cơ thể sẽ có những biểu hiện ra bên ngoài như khó tiêu, ợ hơi, chán ăn, nổi mẩn, nóng trong người,...
Khi bị suy giảm chức năng gan mà không được phát hiện và hỗ trợ kịp thời, lâu dài sẽ dẫn đến vàng da, vàng mắt, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, hơi thở có mùi, thường xuyên buồn ngủ, mệt mỏi.
2. Làm thế nào để bảo vệ chức năng gan khỏe mạnh?
Một trong những yếu tố giúp lá gan khỏe mạnh chính là thói quen ăn uống vệ sinh và khoa học kết hợp với lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe.
Để xây dựng cho bản thân một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học, điều đầu tiên cần làm là nói không với thuốc lá, hạn chế bia rượu, từ bỏ thói quen ăn các thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn ngoài hàng quán, thay vào đó nên tự nấu ăn với khẩu phần ăn nhiều rau xanh, trái cây...
Cần chú ý duy trì nếp sinh hoạt điều độ, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái và tích cực hoạt động thể thao đều đặn sẽ góp phần hỗ trợ quá trình thanh lọc và thải độc gan. Nên tiêm vaccine phòng viêm gan A và B định kỳ theo hướng dẫn của chuyên gia y tế. Khi muốn dùng bất kỳ sản phẩm nào được gọi là "thuốc bổ gan" cần có sự tham vấn của người có chuyên môn, tuyệt đối không nên tự ý sử dụng.
Việc sử dụng một số sản phẩm chứa các vitamin cần thiết cũng là cách để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho gan, tăng cường chức năng gan. Hiện vẫn chưa có đủ bằng chứng để xác nhận liệu uống các loại thực phẩm bổ sung có giải độc gan của bạn hay không. Tuy nhiên, một số loại vitamin thông thường cũng đã được chứng minh là có thể cải thiện sức khỏe của gan.
3. Một số loại vitamin thiết yếu giúp bổ gan, hỗ trợ chức năng gan
Vitamin E chống oxy hóa, giúp gan khỏe mạnh
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người mắc bệnh NAFLD (bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu) và NASH (một loại NAFLD được gọi là viêm gan nhiễm mỡ không do rượu) thường có lượng vitamin E trong máu thấp, do căng thẳng oxy hóa. Căng thẳng oxy hóa là sự mất cân bằng có hại xảy ra khi cơ thể không có đủ chất chống oxy hóa để trung hòa các phân tử khác gọi là gốc tự do. Điều này gây hại cho tế bào và có thể xảy ra do rượu, ma túy và nhiều yếu tố khác.
Nên ăn thường xuyên các thực phẩm giàu vitamin E là những chất chống oxy hóa tốt cho gan.
Vitamin E được chứng minh là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp cân bằng chất chống oxy hóa và các gốc tự do. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy những bệnh nhân sử dụng vitamin E trong khoảng thời gian 96 tuần đã giảm tình trạng viêm và hàm lượng chất béo trong gan cũng như giảm tỷ lệ chết tế bào gan.
Để tăng cường chức năng gan, nên ăn nhiều thực phẩm có chứa vitamin E như: cá hồi, rau bina, bông cải xanh, quả bơ, xoài, quả óc chó và hạnh nhân...
Vitamin D giúp ngăn ngừa bệnh viêm gan
Theo một nghiên cứu năm 2009, có tới 92% trong số 118 người mắc bệnh viêm gan mạn tính do chuyển hóa bị thiếu vitamin D. Những nghiên cứu khác cho thấy, người có lượng vitamin D thấp nhất có nhiều nguy cơ mắc bệnh xơ gan, sẹo gan vĩnh viễn. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2013 phát hiện ra rằng thiếu vitamin D cũng có sự liên quan đến bệnh viêm gan B (do virus HBV ảnh hưởng tới chức năng gan).
Để góp phần bảo vệ các tế bào gan khỏe mạnh, nên tăng cường các thực phẩm có chứa vitamin D, bao gồm: cá hồi, cá ngừ, lòng đỏ trứng, một số loại nấm, sữa tăng cường và nước cam tự nhiên.
Vitamin C giúp gan khỏe mạnh, ngừa gan nhiễm mỡ
Các thực phẩm giàu vitamin C giúp ngăn ngừa sự tích tụ chất béo trong gan.
Giống như vitamin E, vitamin C cũng là chất chống oxy hóa giúp trung hòa các phân tử khác gọi là gốc tự do. Ngoài ra, vitamin C còn giúp ngăn ngừa sự tích tụ chất béo trong gan - một nguyên nhân dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ.
Các thực phẩm chứa nhiều vitamin C như cam, dâu tây, cà chua, bông cải xanh, ớt chuông, kiwi và khoai tây.
Vitamin B giúp hỗ trợ tế bào gan
Ăn đủ thực phẩm có vitamin B có thể giúp đảo ngược nhiều triệu chứng của bệnh gan ở giai đoạn đầu. Đặc biệt, một số bệnh về gan có thể gây thiếu hụt vitamin B1, B6 và B12.
Sự thiếu hụt lượng lớn vitamin B1 sẽ gây suy giảm khả năng tinh thần, chẳng hạn như khả năng phối hợp và trí nhớ; thiếu vitamin B6 gây ngứa ran và tê do tổn thương thần kinh; thiếu vitamin B12 gây thiếu máu, một tình trạng mà một người bị suy nhược cơ thể.
Khoảng 90% vitamin B12 được lưu trữ ở gan. Khi gan bị tổn thương, nồng độ vitamin B12 sẽ giảm. Để đảm bảo lượng vitamin B cần thiết cho cơ thể, nên thường xuyên ăn các loại thực phẩm chứa vitamin như: thịt gà, đậu nành, rau lá xanh, chuối và hạt macca.
Quốc Trưởng – Theo SKĐS