Lời khuyên của chuyên gia về sử dụng trái cây giải nhiệt mùa hè đúng cách
Ngoài bổ sung dinh dưỡng, uống đủ nước thì ăn các loại trái cây cũng giúp cơ thể giải nhiệt rất tốt trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, cần chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm, từ lựa chọn đến bảo quản, sử dụng,... để bảo vệ sức khỏe.
Giải nhiệt mùa hè: quan trọng nhưng cần đúng cách
Thời tiết nắng nóng trong những ngày hè có thể khiến chúng ta cảm thấy bức bối, khó chịu, cũng như gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần và thể chất. Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các loại trái cây như cam, chanh, bưởi, dưa hấu,… là phương pháp giải nhiệt ngày hè hiệu quả, giúp cơ thể cảm thấy thoải mái hơn.
Mùa hè ở nước ta nhiệt độ thường rất cao, có khi lên đến 40 độ C. Mùa hè nắng nóng, thời tiết oi bức, khiến cơ thể lúc này rất dễ mất nước, khô miệng, cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, chóng mặt, tăng nguy cơ đột quỵ và suy tim,… Đặc biệt, người già, trẻ em và người có bệnh lý tim mạch, huyết áp cao là những đối tượng dễ gặp phải những tác động này.
Uống đủ nước và tăng cường ăn các loại trái cây là biện pháp giải nhiệt cơ thể hiệu quả trong những ngày nắng nóng.
Nắng nóng còn có thể gây căng thẳng, khó chịu, cáu gắt và làm giảm tinh thần của con người. Cơ thể cũng sẽ phải đổ mồ hôi để làm mát khi nhiệt độ quá cao. Bên ngoài càng nóng, cơ thể càng mất nhiều nước, chất điện giải qua mồ hôi quá nhiều mà không kịp bồi phụ. Do đó, việc giải nhiệt và bảo vệ sức khỏe trong mùa hè là rất quan trọng.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 3), bổ sung trái cây để làm mát cơ thể là một trong những phương pháp đơn giản và hiệu quả giúp cơ thể cảm thấy thoải mái trong cái nóng thiêu đốt ngày hè.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 3). Ảnh: Trung Nguyên
Ăn trái cây không những giúp cơ thể bù nước, giải nhiệt, mà còn tăng cường hệ miễn dịch, giảm căng thẳng, giúp phục hồi năng lượng tự nhiên của cơ thể trong thời tiết nắng nóng.
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, những loại trái cây đúng mùa như dưa hấu, dưa gang, xoài, bưởi, cam,… đều có vị ngọt mát, hàm lượng nước cao, giàu chất dinh dưỡng, sẽ giúp cơ thể giải nhiệt hiệu quả.
Tuy nhiên, bác sĩ Vũ cũng lưu ý, giải nhiệt cơ thể trong ngày hè quan trọng nhưng phải đúng cách. Khi sử dụng các loại trái cây, cần chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm, từ trong việc lựa chọn, bảo quản, sử dụng,... để bảo vệ sức khỏe.
Ngoài ra, cần đảm bảo uống đủ nước, trang phục thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp và giảm thiểu hoạt động ngoài trời trong thời gian nắng nóng để bảo đảm sức khỏe. Người làm việc, di chuyển ngoài trời nắng trong thời gian dài phải có trang phục bảo hộ (đội mũ, mang găng, đeo kính mát, khẩu trang,…).
Lưu ý của bác sĩ về các loại trái cây giải nhiệt mùa hè
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, có một số lưu ý quan trọng về những loại trái cây giải nhiệt phổ biến trong mùa hè như dưa hấu, dưa gang, quả họ cam quýt,...
Dưa hấu
Theo đông y, dưa hấu có tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải thử, trừ phiền chỉ khát, lợi thủy. Là vị thuốc hiệu quả trị say nắng, say nóng, sốt nóng mất nước, cuồng sảng kích ứng, miệng khô, họng khát, tiểu ít.
Theo y học hiện đại, dưa hấu có hàm lượng nước cao, 90% trọng lượng của dưa hấu là nước, đây là nguồn hydrate hóa tốt nhất, cung cấp nước, giải nhiệt cho cơ thể, nên rất được ưa chuộng trong giải nhiệt ngày hè. Ngoài ra, dưa hấu còn chứa các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất có các đặc tính chống viêm, chống ung thư, chất chống oxy hóa.
Dưa hấu có tác dụng giải nhiệt hiệu quả, đồng thời chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất có các đặc tính chống viêm, chống ung thư, chất chống oxy hóa. Ảnh: Watermelon
Tuy nhiên, không nên ăn dưa hấu quá nhiều, hay ăn nhiều lần trong ngày, nhất là đối với những người có tỳ vị hư yếu, hay rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Những người có vấn đề về thận cũng không nên ăn dưa hấu.
Dưa hấu nếu để nguyên quả, có thể bảo quản được tới 15 ngày vẫn tươi ngon ở nhiệt độ phòng. Nếu dưa hấu đã bổ rồi mà chưa sử dụng hết thì nên bọc bằng màng bọc thực phẩm hoặc hộp kín rồi bảo quản trong môi trường lạnh để chống nhiễm khuẩn và giữ được độ tươi ngon. Theo nghiên cứu khoa học, nếu bảo quản dưa hấu quá lâu trong môi trường tủ lạnh, một số chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể con người sẽ mất đi.
Dưa gang
Theo đông y, dưa gang có tính lạnh, tác dụng giải khát, trừ phiền, thông khí, lợi tiểu, có thể ngừa cảm nắng trong những ngày nóng bức. Dưa gang chứa 90% là nước và có các chất điện giải như kali, magie, natri và canxi, giúp cung cấp nước, làm mát cho cơ thể.
Ngoài ra, dưa gang rất giàu chất dinh dưỡng, chất xơ và các hợp chất thực vật tốt, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, hỗ trợ cải thiện đường huyết, duy trì xương và răng chắc khỏe,...
Những loại trái cây tốt cho cơ thể ngày nắng nóng
Lưu ý, nên chọn dưa gang vỏ mỏng, to, tròn, cầm nặng tay, ấn nhẹ thấy dưa mềm và có mùi thơm thoang thoảng là dưa ngon. Những quả chín và có dấu hiệu rạn trên vỏ thường ngon và ngọt nhất. Không nên chọn quả đã nứt vỡ, dễ bị úng, hỏng bên trong. Ăn nhiều dưa gang sống dễ gây đau bụng, người mới khỏi bệnh và tỳ vị hư hàn nên kiêng ăn.
Xoài
Theo đông y, xoài chín có tác dụng ích dạ dày, thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, nhuận phế, tiêu đàm. Trong xoài cũng chứa nhiều chất xơ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, lượng vitamin C dồi dào giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm và giúp duy trì làn da khỏe mạnh.
Lưu ý, không nên ăn quá nhiều xoài, đặc biệt đối với những người có vấn đề về tiêu hóa, người mắc bệnh tiêu chảy. Không nên ăn xoài khi đói vì lượng vitamin C cao có thể gây kích thích dạ dày, làm tăng tiết dịch vị. Người bị đái tháo đường cần hạn chế ăn xoài. Người bị nóng trong, cơ địa mẫn cảm hay bị dị ứng, nổi mụn cần chú ý uống nhiều nước và tăng cường rau xanh khi ăn xoài.
Cam, chanh, bưởi, quýt
Đây là các loại quả có tính mát, chứa hàm lượng nước cao và lượng vitamin C dồi dào giúp giảm cảm giác khát và tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Nước ép từ cam, chanh, bưởi, quýt là thức uống giải khát rất tốt nhưng không nên lạm dụng vì có thể gây nhiều tác hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Lưu ý, không nên uống quá nhiều nước ép cam, chỉ nên uống 1 cốc/ngày (khoảng 200ml). Phụ nữ có thai có thể uống nhiều hơn nhưng nên chia ra nhiều lần uống. Trẻ em chỉ nên uống 1/2 quả cam/ngày. Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm tuyến tụy, hay bệnh thận nên hạn chế ăn cam. Không nên ăn cam khi đói, hoặc ngay khi ăn no hoặc ngay trước và sau khi uống sữa.
Nước ép bưởi có thể gây tình trạng tương tác thuốc với một số thuốc (kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch, benzodiazepine, hầu hết các thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chống lo âu, một số thuốc statin,…) nên cần lưu ý không dùng chung nước ép bưởi với các thuốc này.
Nước chanh tuy là thức uống giải khát rất tốt nhưng nếu lạm dụng có thể gây nhiều tác hại cho sức khỏe như làm hỏng men răng, hại dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, gây mất nước, thừa vitamin C,… Người có bệnh lý về răng miệng, bệnh dạ dày tá tràng chưa ổn định, bệnh trào ngược dạ dày thực quản thì không nên dùng nước chanh.
Quốc Trưởng – Theo Khuyến học