Hệ lụy đáng tiếc khi nghe theo 'bác sĩ Google'
Nhiều ông bố, bà mẹ do quá tin vào công cụ tìm kiếm và nghe theo 'bác sĩ Google', mà đã chuốc lấy hoang mang, lo lắng.
Nhiều ông bố, bà mẹ do quá tin vào công cụ tìm kiếm và nghe theo “bác sĩ Google”, mà đã chuốc lấy hoang mang, lo lắng. Thậm chí, họ để lỡ thời cơ chữa bệnh cho bản thân, cho con mình hoặc dùng sai thuốc gây ra những hệ lụy đáng tiếc.
Nguy cơ dùng sai thuốc
Nhiều người có thói quen mua thuốc kháng sinh khi có những dấu hiệu bệnh nhẹ. Tuy nhiên, thực tế, nhiều bệnh nhiễm khuẩn do virus không nhất thiết phải điều trị bằng kháng sinh. Thậm chí, không ít trường hợp tự ý bỏ điều trị bệnh theo phác đồ của bệnh viện vì nghe quảng cáo thuốc “đặc trị” trên mạng xã hội, dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Một bệnh nhân ở Gia Lai nhập viện trong tình trạng ngón chân áp út sưng to, đau nhức, mưng mủ. Anh tự mua kháng sinh về uống, dùng thuốc sát khuẩn bôi nhưng không đỡ. Đến khi ngón chân sưng to hơn, thâm tím, anh mới tới bệnh viện thăm khám. Vì nhập viện trễ, ngón chân người bệnh đã hoại tử nhiều, phải cắt cụt.
Về nhà, bệnh nhân tự ngâm ngón chân vừa cắt cụt vào nước muối với ý nghĩ cho mau lành. Tuy nhiên, chưa được một tuần, da bàn chân của người bệnh bong tróc, sưng phù, đau không đi được, vết thương thối rữa. Anh được đưa gấp tới Bệnh viện Tâm Anh TPHCM cấp cứu.
Theo lời kể của bệnh nhân, anh được phát hiện đái tháo đường vào năm 2019. Khi ra viện, bác sĩ dặn anh uống thuốc đái tháo đường thường xuyên. Tuy nhiên, sau 1 năm, anh thấy sức khỏe bình thường nên bỏ uống thuốc.
Trong bối cảnh Internet phát triển “chóng mặt”, những thông tin về chăm sóc sức khoẻ, thuốc điều trị bệnh xuất hiện tràn lan, nhưng không được kiểm chứng, nhiều người tiêu dùng nghe theo và sử dụng. Điều này đã để lại nhiều hệ lụy.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khoẻ (CHERAD) cho biết, việc tìm kiếm thông tin chữa bệnh trên Internet nếu không được kiểm chứng sẽ rất bất lợi. Điều đó không chỉ nguy hiểm cho người bệnh, mà còn cả cộng đồng, nhất là trẻ em.
Điều này là do nhiều người dân ngại đi khám bệnh, sợ mất thời gian, sợ mất tiền đi lại. Do nhiều người nhận được những thông tin, nhưng bản thân không có kiến thức nền để có thể tự kiểm chứng.
“Chúng ta không biết thông tin đó đúng hay sai, gây ra sự hoang mang. Là một bác sĩ nhi khoa, đã khám tư vấn trực tiếp và điều trị rất nhiều trẻ em về sức khỏe và sinh dưỡng, tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp thương tâm”, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết.
Theo bác sĩ An, nhiều ông bố, bà mẹ do quá tin vào công cụ tìm kiếm và nghe theo “bác sĩ Google” đã chuốc lấy hoang mang, lo lắng. Thậm chí, họ để lỡ thời cơ chữa bệnh cho bản thân, cho con mình hoặc dùng sai thuốc gây ra nguy hiểm.
Trong đó, nhiều cha mẹ đã sử dụng đơn thuốc từng chữa khỏi bệnh của em bé khác để điều trị cho con mình vì thấy tình trạng, tên bệnh giống nhau. Song, bác sĩ An nhấn mạnh, tên loại bệnh có thể giống nhau theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên, mỗi con người là một cơ thể độc lập, đặc thù.
Về cơ địa, sự đáp ứng miễn dịch, khả năng dung nạp và hấp thụ thuốc cũng như các sản phẩm chữa bệnh của mỗi con người là khác nhau. Trong y học, mỗi bệnh sẽ có một phác đồ điều trị riêng.
Có thể cùng một bệnh sốt siêu vi, nhưng người A sẽ được điều trị khác và người B lại có phác đồ điều trị khác. Tùy vào cơ địa từng người sẽ có từng loại thuốc khác nhau, có thời gian theo dõi và chỉ định khác nhau.
Bệnh tật theo y học phương Đông thì lại càng bí hiểm và phức tạp hơn. Bởi, khi điều trị còn phụ thuốc vào hệ thống kinh lạc và huyệt đạo. Do vậy, nếu có sự nhầm lẫn về hàm lượng, loại thuốc điều trị thì tổn hại sẽ lâu dài hơn.
Mặt trái của “bác sĩ Google”
“Thực tế, chúng ta có thể đặt câu hỏi và tìm hiểu bác sĩ trên mạng là ai, có rất nhiều loại. Thật có, giả có, lừa đảo có, giáo sư, bác sĩ, lương y thật có, nhưng kẻ tự nhận bác sĩ chuyên khoa hoặc lương y giả cũng đầy rẫy. Tuy nhiên, nhiều người dân không thể biết cũng như phân biệt được đâu là giả, đâu là thật, đâu là đúng, sai”, bác sĩ An nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An.
Chuyên gia này dẫn chứng, một cuộc điều tra của Mỹ vào năm 2017 cho thấy, 43% người có vấn đề về sức khoẻ đã tự “chẩn đoán” sai bệnh sau khi tìm kiếm trực tuyến các triệu chứng qua Google. Điều đáng nói là việc tự “chẩn đoán” và điều trị theo “bác sĩ Google” đã gây gia tăng sự hoang mang lo lắng, rối loạn sức khỏe tâm thần cho người bệnh về tình trạng sức khỏe của bản thân mình.
Chuyên gia này cho biết, không thể phủ nhận Google là một công cụ hỗ trợ tích cực và tiết kiệm thời gian. Khi có bệnh, tra cứu Google có thể giúp người dân giảm sự lo lắng nếu tìm được lời khuyên thích hợp từ thầy thuốc.
Đặc biệt, Internet cũng giúp các bác sĩ đa khoa tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, nhờ chẩn đoán và kê đơn từ xa, đáp ứng nhu cầu của nhóm bệnh nhân cao tuổi. Song, mặt trái của nó có thể khiến người bệnh rất dễ nhầm lẫn khi tự chẩn đoán nếu chỉ nhờ tư vấn của “bác sĩ Google”.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An nhận định, việc tin theo phương pháp chung trên mạng mà áp dụng cho nhiều người là rất nguy hiểm. Điều đó không những khiến bệnh nặng hơn, mà còn có thể vô tình tước mất cơ hội được sống, quyền được điều trị tốt tại bệnh viện.
Do vậy, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng là giải pháp để mọi người dân có bệnh cần gặp bác sĩ tại các bệnh viện chuyên ngành. Đồng thời, người bệnh được tham khảo ý kiến của một chuyên gia y tế đào tạo bài bản.
“Các trang web thông tin về y tế và bệnh tật có thể hữu ích ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, việc chúng ta tìm hiểu, tự ý chữa bệnh bằng các thông tin không được kiểm chứng sẽ vô cùng rủi ro. Người dân phải xem xét cẩn thận và rất cần có sự tư vấn, hỗ trợ kiến thức đầy đủ từ các bác sĩ chuyên ngành”, bác sĩ Nguyễn Trọng An khuyến cáo.
Quốc Trưởng – theo GD&TĐ