Dùng thuốc trị đau dạ dày đúng cách
Bệnh đau dạ dày hiện nay được xem là bệnh phổ biến với tỷ lệ mắc phải rất cao, vậy đau dạ dày là gì?
Đau dạ dày là tình trạng có rối loạn ở dạ dày hoặc ở tá tràng. Người bị đau dạ dày sẽ thường cảm thấy đau âm ỉ, khó chịu vô cùng ở vùng thượng vị. Khi người bệnh ăn quá no hoặc quá đói đều có thể bị đau. Nhưng có nhiều trường hợp chỉ biểu hiện nhẹ như thường xuyên chướng bụng, đầy hơi, ợ chua, khó tiêu. “Đau dạ dày” là cách bà con mình thường hay gọi, đó có thể là triệu chứng của rối loạn mà giới chuyên môn gọi là “viêm loét dạ dày - tá tràng” (VLDDTT).
Nguyên nhân gây VLDDTT là do có sự mất sự cân bằng giữa quá trình hủy hoại và quá trình bảo vệ đối với niêm mạc DD-TT, quá trình hủy hoại chiếm ưu thế hơn dẫn đến làm tổn hại hoặc làm mất chất liệu niêm mạch gây viêm loét. Đầy bụng, khó tiêu sau khi ăn là biểu hiện bạn bị đau dạ dày ở mức độ nhẹ.Nặng hơn là viêm; viêm là đã có tổn thương (như bị xung huyết, phù nề) nhưng chưa mất chất liệu niêm mạc như trường hợp bị loét.
Quá trình hủy hoại niêm mạc là quá trình tạo bởi các yếu tố có khả năng ăn mòn, hủy hoại niêm mạc. Đó là acid hydrocloric (HCl) và pepsin là thành phần chính của dịch vị do dạ dày tiết ra nhằm tiêu hóa thức ăn và nếu tiêu hóa được thức ăn thì cũng có nghĩa dịch vị tiêu hóa được niêm mạc. Đặc biệt, khi có sự tăng tiết acid dịch vị thì sẽ gây co thắt cơ trơn dạ dày và gây đau. Quá trình hủy hoại còn do những chất từ ngoài đưa vào như: rượu bia, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), và đặc biệt do sự nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Người ta ghi nhận có khoảng 50 - 80% dân số trên thế giới nhiễm HP và khoảng 70% bệnh nhân loét dạ dày, 90% bệnh nhân loét tá tràng có sự hiện diện của loại vi khuẩn này ở niêm mạc dạ dày.
Gây mất cân bằng giữa quá trình hủy hoại và quá trình bảo vệ niêm mạc, người ta còn đề cập đến yếu tố sự căng thẳng thần kinh (stress).Người thường xuyên lo lắng dễ bị đau dạ dày.
Khi mới bị ăn uống đầy bụng, khó tiêu, hoặc mới bị đau dạ dày nhẹ, nên làm gì?
Lưu ý đầu tiên là ăn uống.Không ăn uống những gì có vị chua, quá cay, quá nóng khi bụng đang trống (đói).Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, căng thẳng lo âu kéo dài, phiền muộn quá đáng.Có thể mua thuốc kháng acid dùng trong vài ngày để giảm cảm giác đau dạ dày và làm giảm triệu chứng khó tiêu, đầy bụng.
(Ảnh minh họa)
Thuốc kháng acid là thuốc gì?
Thuốc kháng acid là các hợp chất vô cơ có tính base yếu có khả năng trung hòa HCl làm giảm nồng độ H (tức giảm độ chua) trong dịch vị. Trong thuốc kháng acid thường chứa: nhôm hydroxyd Al (OH)3, magnesium hydroxyd Mg(OH)2 hoặc các muối Al, Mg dạng phosphat, carbonat, trisilicat.
Nếu dùng đơn độc, muối Al gây táo bón, còn muối Mg nhuận trường gây tiêu chảy nên thường dùng phối hợp, như nhiều biệt dược phối hợp Al(OH)3 Mg(OH)2.
Nhiều thuốc kháng acid được phối hợp thêm simethicon, là chất diện hoạt có tác dụng phá bọt, chống đầy hơi.Các thuốc kháng acid được phối hợp thêm simethicon, ngoài trị viêm loét DD-TT còn được dùng trị chứng trào ngược dạ dày thực quản, dư acid gây khó tiêu đầy bụng.
Lưu ý gì khi sử dụng thuốc kháng acid?
- Về dạng thuốc, có dạng hỗn dịch dễ uống. Nên uống thuốc kháng acid này 4 lần/ ngày: uống 1 - 3 giờ sau 3 bữa ăn chính (tốt nhất là 1 giờ sau bữa ăn) và 1 lần nữa trước khi đi ngủ.
- Thuốc kháng acid cho tác dụng tại chỗ và có thể gây tương tác thuốc với thuốc khác cho tác dụng toàn thân ở giai đoạn hấp thu. Vì vậy, cần uống cách xa các loại thuốc khác, ít nhất là 2 giờ sau khi uống thuốc kháng acid (hoặc 1 giờ trước khi uống thuốc kháng acid).
- Tránh dùng thuốc có chứa nhôm (Al) lâu dài do làm giảm lượng phosphat trong máu.
Cần lưu ý gì thêm khi bị đau dạ dày lâu ngày?
- Nếu dùng thuốc kháng acid trong một thời gian mà không thấy cải thiện đau dạ dày, người bệnh cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán xác định bệnh. Bởi vì tùy theo mức độ bệnh: rối loạn tiêu hóa giống loét (có triệu chứng giống loét nhưng chẩn đoán xét nghiệm không có loét), viêm và nặng hơn là loét (loét được định nghĩa đã có sự mất chất liệu niêm mạc) mà chế độ điều trị bằng thuốc có khác nhau, phải có bác sĩ chỉ định thuốc dùng. Riêng loét dạ dày rất cần khám thường xuyên vì bệnh lý này có nguy cơ trở thành ung thư dạ dày, cần phát hiện sớm để chữa trị kịp thời.
- Hiện nay đã xác định vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (HP) có liên quan đến bệnh đau dạ dày, nên có phác đồ điều trị dùng thuốc kết hợp với các kháng sinh như: tetracyclin, amoxicillin, metronidazol, clarithromycin... thường dùng phác đồ điều trị 3 thuốc, trong đó có 2 kháng sinh, thậm chí 4 thuốc. Trường hợp này nếu không tuân thủ theo chỉ định dùng kháng sinh theo toa, mà nghe theo lời mách bảo hoặc đọc trong sách báo rồi người bệnh tự chẩn đoán bệnh và tự ý mua kháng sinh dùng bừa bãi, sẽ gây nên tình trạng kháng thuốc, gặp khó khăn cho điều trị về sau.
- Bên cạnh việc dùng thuốc trị đau dạ dày, phải có chế độ sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh sự xúc động, căng thẳng thần kinh, phiền muộn thái quá.với những người bị bệnh dạ dày, phải thật cẩn thận trong dùng thuốc, đặc biệt dùng thuốc NSAID thường gây viêm loét.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ hỗ trợ việc điều trị. Người bệnh vẫn cần ăn uống đầy đủ chất, không kiêng khem quá đáng. Lưu ý, có 2 thái cực cần tránh trong ăn uống: không để đói quá mới ăn cũng không nên ăn no quá. Có thể ăn nhiều bữa hơn rải đều trong ngày. Tránh hoặc hạn chế dùng các loại thực phẩm mà bản thân không hợp, gia vị quá cay nóng, các chất như bia rượu, thuốc lá có tác dụng kích thích làm tăng tiết nhiều acid dịch vị.
Quốc Trưởng – Theo SKĐS