QM Mediphar - Vì sức khỏe cộng đồng                                                                                                      

Điểm tên 10 bệnh dễ mắc phải trong mùa Đông và cách phòng tránh

Ngày cập nhật: 15/12/2023 09:20

Mùa Đông đến, nhiệt độ xuống thấp, không khí khô hanh khiến người già và trẻ em hay mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng, đau khớp, tim mạch... do sức đề kháng kém.

Mùa Đông, thời tiết rét buốt khiến sức đề kháng giảm sút và cơ thể dễ mắc nhiều bệnh như cảm lạnh, cúm...

Đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ, việc bảo vệ sức khỏe trong mùa Đông lại càng cần được quan tâm.

Dưới đây là một số bệnh thường gặp trong mùa Đông và cách phòng tránh.

1. Bệnh cảm lạnh

Đây là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra ở đường hô hấp trên nhưng chủ yếu ảnh hưởng tới mũi. Ho, đau họng, sổ mũi, hắt hơi và sốt là những triệu chứng thường gặp khi bị cảm lạnh.

Có thể phòng chống cảm lạnh bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Cách này sẽ giúp tiêu diệt vi trùng ở tay sau khi bạn tiếp xúc với bề mặt của một số vật dụng như công tắc điện và tay nắm cửa...

Ngoài ra, việc dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ cũng rất cần thiết, hạn chế sự sinh sôi của vi khuẩn. Rửa sạch những loại vật dụng gia đình như cốc chén, bát đũa rất quan trọng, nhất là khi trong gia đình có ai đó bị ốm.

Nếu cẩn thận hơn nữa, có thể trang bị 1 chiếc máy lọc không khí ngay tại nhà hoặc văn phòng để đảm bảo không gian xung quanh luôn trong lành, thoáng đãng, tránh được các vi khuẩn và bụi bẩn.

2. Bệnh viêm họng

Đau họng thường xảy ra vào mùa Đông và phần lớn nguyên nhân là do nhiễm virus. Có một số bằng chứng cho thấy sự thay đổi và chênh lệch nhiệt độ, chẳng hạn như đi từ một căn phòng ấm áp ra ngoài trời lạnh cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến cổ họng.

Một biện pháp khắc phục nhanh chóng và dễ dàng thực hiện khi bị đau họng là súc miệng với nước muối ấm. Mặc dù nước muối không chữa được khi bạn bị nhiễm trùng, nhưng nó có tính chống viêm và có tác dụng làm dịu cổ họng đang viêm rát.

3. Bệnh cúm

Cúm là căn bệnh nhiều người gặp phải, nhất là những người ở độ tuổi từ 65 trở lên và người bị tiểu đường, thận.

Cách phòng tránh tốt nhất để ngăn ngừa cảm cúm là sử dụng vaccine phòng cúm (hoặc thuốc xịt mũi cho trẻ em từ 2-18 tuổi).

Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên khám bệnh cho một bệnh nhi bị mắc cúm A. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

4. Bệnh hen, suyễn

Thời tiết lạnh là nguyên nhân chủ yếu gây ra những triệu chứng của bệnh hen, suyễn như khó thở.

Những người bị hen, suyễn đặc biệt phải chú ý giữ sức khỏe vào mùa Đông.

Cách phòng tránh: trong những ngày lạnh giá, bạn nên ở trong phòng thì tốt hơn. Nếu phải ra ngoài, hãy quàng một chiếc khăn qua mũi và miệng để giữ ấm.

Đối với những người có tiền sử mắc bệnh hen suyễn hoặc khó thở, có thể sử dụng máy xông khí dung mũi họng để tăng hiệu quả điều trị bệnh.

5. Hội chứng Norovirus

Norovirus là tên của một nhóm virus thường gây ra dịch viêm đường ruột do virus. Các triệu chứng thường bắt đầu đột ngột trong vòng 12-48 giờ sau khi phơi nhiễm với Norovirus.

Đa số mọi người sẽ khỏe lại trong vòng 1-2 ngày và bệnh không có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe mặc dù khi bệnh, người bệnh bị mất nước và có thể phải nhập viện.

Bệnh này có thể gặp quanh năm nhưng phổ biến hơn vào mùa Đông và những nơi như khách sạn hay trường học. Trẻ nhỏ và người già là nhóm có nguy cơ mắc bệnh này nhất.

Cách điều trị: khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng như nôn và tiêu chảy thì việc quan trọng đầu tiên là phải bổ sung nhiều nước để ngăn chặn sự mất nước. Có thể đến các trung tâm y tế nếu bệnh tình có diễn biến nghiêm trọng.

6. Hạ thân nhiệt

Những người dễ bị hạ thân nhiệt nhất là người già, trẻ nhỏ và những người có thói quen uống rượu.

Khi bị hạ thân nhiệt, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đầu óc mơ hồ và xuất hiện những đợt rùng mình không kiểm soát. Tới khi không cảm thấy lạnh nữa, da của họ đã tái xanh, đồng tử giãn ra và không còn tỉnh táo.

Cách phòng tránh: theo các chuyên gia, nên tìm các biện pháp can thiệp kịp thời trong giai đoạn đầu của hạ thân nhiệt, trước khi các triệu chứng trở nặng hơn.

Cách tốt nhất để kiểm soát thân nhiệt thường xuyên và chính xác là trang bị 1 chiếc nhiệt kế ngay tại nhà, nhất là gia đình có trẻ nhỏ.

Khi bị hạ thân nhiệt, nên quấn chăn xung quanh người cho tới khi cơ thể họ ấm trở lại. Có thể sử dụng túi sưởi để giúp cơ thể lấy lại thân nhiệt nhanh hơn.

7. Đau nhức khớp tay, chân

Đau nhức các khớp cổ tay, chân hay khớp vai, khớp háng vào mùa Đông là một trong những tình trạng thường gặp. Đặc biệt là ở người già và những người phải thường xuyên lao động nặng nhọc.

Theo các chuyên gia, vào mùa Đông, nhiệt độ xuống thấp sẽ làm cho các gân cơ bị co rút, gây hạn chế trong việc vận động.

Một số bệnh nhân bị gút hay đang gặp các chứng bệnh về xương khớp thì thời điểm này sẽ càng làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Lý do là vì nhiệt độ xuống thấp khiến lượng axit uric trong máu bị kết tủa, lắng đọng và chèn ép vào các khớp.

Đặc biệt ở những người cao tuổi, lúc này các chức năng hoạt động của cơ thể đã bị suy yếu, khí huyết kém lưu thông nên dẫn tới tình trạng thoái hóa khớp xương và gây nên hiện tượng đau nhức.

Trời rét ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt cũng như sức khỏe của người cao tuổi. (Ảnh: Võ Dung/TTXVN)

Cách phòng tránh: để phòng chống hiện tượng đau nhức khớp trong mùa đông nên giữ ấm cho cơ thể bằng cách đi tất, mang găng tay, quàng khăn.

Nên tập thể dục và vận động các khớp vào buổi tối trước khi đi ngủ cũng như buổi sáng khi ngủ dậy.

Massage thường xuyên cũng là phương pháp tốt giúp hạn chế tình trạng đau nhức. Đối với những người già, người loãng xương, có thể bổ sung thêm thực phẩm chức năng hỗ trợ xương khớp để cải thiện tình trạng sức khỏe.

8. Đau tim

Rất ít người biết rằng mùa Đông chính là một trong những "thủ phạm" hàng đầu gây ra bệnh đau tim.

Nguyên nhân là do nhiệt độ giảm mạnh khiến cho động mạch bị thu hẹp, máu không được lưu thông ổn định. Vì thế, tim phải làm việc nhiều hơn để giữ ấm cho cơ thể.

Cách phòng tránh: các chuyên gia hàng đầu về sức khỏe khuyên rằng cần giữ nhiệt độ cơ thể ổn định, nhất là những khi đi ra ngoài.

Những người trên 30 tuổi cần tránh các hoạt động quá sức vào sáng sớm.

Ngoài ra, bạn nên chia nhỏ khẩu phần ăn thay vì ăn quá nhiều thực phẩm trong một lúc.

9. Đau dạ dày do lạnh

Thời tiết lạnh thường hay bị đau dạ dày. Trong khi chưa có phương pháp hữu hiệu ngăn chặn viêm loét dạ dày, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách chăm sóc bản thân để tăng sức đề kháng.

Cách phòng tránh là hàng ngày làm những việc khiến bạn cảm thấy bớt căng thẳng như tắm nóng, đi bộ trong công viên hoặc xem một trong những bộ phim yêu thích của bạn.

10. Khô da

Vào mùa Đông, do thói quen tắm bằng nước ấm cũng như lượng nước được nạp vào cơ thể ít hơn các mùa còn lại, cho nên da rất dễ bị khô, thiếu độ ẩm.

Một trong những việc làm tốt nhất để ngăn chặn tình trạng này đó là dưỡng ẩm cho da. Các bác sĩ da liễu cho biết rằng, thời gian tốt nhất để bôi kem dưỡng ẩm là sau khi tắm, vì lúc này da vẫn còn ẩm.

Ngoài ra, cũng có thể bôi thêm một lần nữa vào lúc trước khi đi ngủ.

Và khi tắm không nên sử dụng nước quá nóng để hạn chế nguy cơ kích ứng và ngứa da. Ngoài ra, có thể cung cấp độ ẩm lý tưởng bằng cách sử dụng máy phun sương trong phòng.

Theo (Vietnam+)

 ĐỊA CHỈ

Số 4A Lò Lu, Phường Trường Thạnh, Thành Phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

 EMAIL

iqmmediphar@gmail.com

Công ty cổ phần dược phẩm Quang Minh - QM Mediphar

Địa chỉ: 4A Lò Lu, P. Trường Thạnh, TP. Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 0283 730 0167

Email: iqmmediphar@gmail.com

Website: http://www.qmmediphar.com/