QM Mediphar - Vì sức khỏe cộng đồng                                                                                                      

Đau nửa đầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

Ngày cập nhật: 29/03/2024 10:27

Đau nửa đầu (hay còn gọi là migraine) được xếp vào một trong những bệnh đặc biệt, xuất hiện thành đợt chiếm khoảng 10% dân số. Triệu chứng thường kéo dài từ 4 đến 72 giờ và có thể trầm trọng.

Đau nửa đầu thường ở một bên, kiểu mạch đập, nặng hơn khi gắng sức, kèm theo các triệu chứng như buồn nôn và nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh hoặc mùi hôi.

Đau nửa đầu có thể xảy ra với bất kỳ ai, tuy nhiên những đối tượng dưới đây lại có nguy cơ bị đau nửa đầu cao hơn so với những người khác, gồm:

  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh đau nửa đầu
  • Phụ nữ trước và trong kỳ kinh nguyệt.
  • Phụ nữ mang thai, sử dụng thuốc tránh thai.
  • Người dùng nhiều chất kích thích như rượu, bia,…
  • Người thường xuyên bị căng thẳng, áp lực.
  • Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh.

1. Nguyên nhân gây đau nửa đầu

Khi lượng máu lên não tự nhiên ít đi, não phản ứng lại với tình trạng thiếu oxy này bằng cách gây ra đau. Ngoài thiếu oxy, hậu quả của việc thiếu máu nêu trên làm cho một số mạch máu khác bị giãn nở và viêm tấy, gây ra đau đầu.

Đau nửa đầu (hay còn gọi là migraine) được xếp vào một trong những bệnh đặc biệt, xuất hiện thành đợt chiếm khoảng 10% dân số. Ảnh minh họa.

Dù đã có vô số công trình nghiên cứu nhưng cho đến nay y học vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Người ta mới chỉ xác định được rằng, ngoài nguyên nhân vận máu lên não kém, bệnh đau nửa đầu còn có thể là do:

  • Các gene dị thường trong não truyền đi một tín hiệu bất thường.
  • Stress.
  • Sự thay đổi hormon thời kỳ kinh nguyệt, trưởng thành, mang thai và mãn kinh ở phụ nữ.
  • Thay đổi thời tiết hay độ cao.
  • Ngủ không khoa học (quá nhiều hay quá ít), sự gián đoạn của giấc ngủ thường ngày.
  • Ô nhiễm tiếng ồn.
  • Do rượu và một số chất trong thực phẩm… khiến mạch máu co rồi giãn (do tăng chất trung gian hóa học serotonin hoặc sự tích tụ ion canxi trong tế bào thần kinh) gây ra các cơn đau thắt nửa đầu.

2. Triệu chứng bệnh đau nửa đầu

Cơn đau thường đến từ từ, nhưng mỗi lúc một nặng thêm, nối tiếp từ cơn này đến cơn khác khiến người bệnh có cảm giác đầu muốn nổ tung. Cơn kéo dài 2-4 giờ, nhưng cá biệt có thể kéo dài vài ngày, khu trú ở một nửa đầu, đau giật giật theo nhịp mạch đập.

Cùng với những cơn đau là cảm giác buồn nôn, nôn, sợ tiếng động và ánh sáng… Tùy từng cơ địa mà mức độ cũng như thời gian đau của mỗi người khác nhau, nhưng tựu chung, bệnh đau nửa đầu có các triệu chứng rất điển hình:

  • Đau mạnh ở một hay cả hai bên đầu, cứng cơ cổ.
  • Nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Mệt mỏi và dễ cáu kỉnh.
  • Tăng số lần đi tiểu và tiêu chảy.
  • Một số trường hợp đau nặng còn bị ảo giác như thấy các đường ziczac và ánh sáng loá.

3. Tác hại của bệnh đau nửa đầu

Những người bị đau nửa đầu không chỉ bị cơn đau hành hạ, mà lâu ngày, chứng bệnh còn dẫn đến những hậu quả nguy hại khác cho sức khoẻ, như:

Trầm cảm: Do là bệnh liên quan đến hệ thần kinh, nên lâu ngày bệnh nhân đau nửa đầu dễ bị trầm cảm hoặc cáu gắt. Những bệnh nhân có kèm thêm chứng mất ngủ, ăn uống không điều độ; đến kỳ kinh nguyệt… càng dễ thấy sự thay đổi tính tình.

Nguy cơ đột quỵ: Nguy cơ bị đột quỵ ở những người bị chứng đau nửa đầu cao gấp 2,16 lần so với những người không bị. Đặc biệt, những phụ nữ bị đau nửa đầu dùng thuốc tránh thai có nguy cơ tăng gấp 8 lần so với những người không dùng thuốc.

Ảnh hưởng đến thị giác: Chứng đau nửa đầu ảnh hưởng rất lớn đến thị giác. Điều này rất rõ rệt ở tuổi trung niên. Do có vấn đề bất thường trọng việc vận chuyển máu lên não, nên mắt của những người bị đau nửa đầu dễ bị suy thoái võng mạc, dẫn đến mất thị lực và thậm chí mù vĩnh viễn.

Dễ bị tiêu chảy: Cơn đau tác động tới các giác quan, nên đa số bệnh nhân đau nửa đầu rất nhạy cảm với tiếng ồn, ánh sáng hoặc một số mùi. Điều đó giải thích vì sao, khi bị đau đầu nhiều người còn bị buồn nôn, nôn, hoặc có khi bị tiêu chảy.

4. Điều trị bệnh đau nửa đầu

Do chưa tìm được nguyên nhân chính xác của bệnh nên phương pháp điều trị hiện nay mới chỉ dừng lại ở điều trị triệu chứng. Có nghĩa là bệnh nhân được dùng thuốc với 2 mục đích: điều trị và dự phòng các cơn đau.

Đối với những bệnh nhân thường xuyên bị cơn đau nửa đầu hành hạ, ngoài điều trị triệu chứng, cắt cơn đau, các bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân dùng thuốc để dự phòng cơn đau.

Đối với phụ nữ, liệu pháp hormone có thể giúp giảm cơn đau nửa đầu có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của họ.

Có thể dùng các loại thuốc và phương pháp điều trị bệnh đau nửa đầu như:

  • Đối với đau đầu nhẹ, dùng acetaminophen hoặc NSAID
  • Đối với các cơn đau đầu cấp tính, dùng triptans, lasmiditan, gepants, hoặc dihydroergotamine cùng với thuốc chống nôn đối vận với dopamine
  • Thiết bị điều hòa thần kinh để điều trị và phòng ngừa đợt cấp tính

Giải thích thấu đáo về bệnh lý này giúp bệnh nhân hiểu rằng mặc dù chứng đau đầu migrain không thể chữa khỏi hẳn, nhưng có thể kiểm soát được, giúp họ tham gia tích cực hơn trong điều trị.

Lựa chọn thuốc dùng để điều trị đau nửa đầu cấp tính dựa trên tần suất, thời gian và mức độ nặng của các cơn đau đầu.

Bệnh nhân nên được khuyến khích để tránh các tác nhân kích thích và thầy thuốc lâm sàng khuyến cáo các can thiệp hành vi (phản hồi sinh học, quản lý stress, liệu pháp tâm lý) để kiểm soát migraine khi stress là yếu tố kích hoạt chính hoặc khi thuốc giảm đau đang bị lạm dụng.

Bệnh nhân nên được khuyến khích để tránh các tác nhân kích thích và thầy thuốc lâm sàng khuyến cáo các can thiệp hành vi (phản hồi sinh học, quản lý stress, liệu pháp tâm lý).

5. Phòng ngừa bệnh đau nửa đầu

Ngoài việc dùng thuốc, những người mắc bệnh đau nửa đầu cần hết sức lưu ý tới chế độ ăn uống và sinh hoạt.

- Về chế độ ăn uống: Bệnh nhân đặc biệt phải kiêng các thực phẩm có chất kích thích như rượu, bia, trà, cà phê, thuốc lá, nước uống có gas, chocolate, phomat, xúc xích, dăm bông, mì chính, trái cây họ cam quýt…

Nên ăn nhiều thực phẩm giàu magie như cá, cây họ đậu, rau màu xanh sậm, vì thực phẩm này có thể giúp giảm bớt tần số đau. Không nên ăn quá nhiều và quá nhanh; không bao giờ được bỏ bữa sáng, vì nếu không bệnh sẽ nặng thêm. Mỗi bữa nên ăn một lượng thức ăn vừa phải và ăn thành nhiều bữa (mỗi 3 đến 4 giờ ăn một lần).

- Về lối sống và rèn luyện: Lối sống khoa học rất quan trọng đối với những người bị đau nửa đầu. Ngủ sớm, ngủ đủ giấc, thức dậy sớm sẽ giúp tinh thần người bệnh sảng khoái hơn, các cơn đau vì thế cũng giảm đi.

Bệnh nhân đau nửa đầu nên tránh xa những căng thẳng, lo âu trong cuộc sống. Không nên ngồi nhiều trước máy vi tính và nghe nhạc quá to trong một khoảng thời gian lâu.

Tập thể dục thể thao cũng là một phương pháp nâng cao sức khỏe và giảm căng thẳng thần kinh, giảm các cơn đau nửa đầu do vận mạch.

Khi bị đau, hãy nghỉ ngơi trong một căn phòng tối và mát, hoặc tắm dưới vòi sen. Đắp khăn lạnh lên trán hoặc ép ngón tay lên thái dương bên đau cũng có thể giúp giảm nhẹ sự khó chịu. Một ly nước bổ dưỡng, massage cổ, sau gáy và cơ… cũng có thể có ích cho những bệnh nhân đau nửa đầu.

Quốc Trưởng – theo SKĐS

 ĐỊA CHỈ

Số 4A Lò Lu, Phường Trường Thạnh, Thành Phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

 EMAIL

iqmmediphar@gmail.com

Công ty cổ phần dược phẩm Quang Minh - QM Mediphar

Địa chỉ: 4A Lò Lu, P. Trường Thạnh, TP. Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 0283 730 0167

Email: iqmmediphar@gmail.com

Website: http://www.qmmediphar.com/