Các biến chứng nguy hiểm do bệnh thận
Người bệnh thận có thể gặp các biến chứng sức khỏe như thiếu máu, rối loạn lipid máu, vấn đề tim mạch, phổi, rối loạn nước - điện giải.
Bệnh thận mạn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đặc điểm chung là đều ảnh hưởng tới chức năng thận và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Người bệnh thận có thể gặp các biến chứng sức khỏe như thiếu máu, rối loạn lipid máu, vấn đề tim mạch, phổi, rối loạn nước - điện giải.
Bệnh thận mạn được chia làm 5 giai đoạn dựa trên mức lọc cầu thận. Giai đoạn 5 là mức độ nặng nhất, người bệnh phải điều trị thận thay thế như ghép thận, lọc máu, thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng).
Suy thận càng nặng, biến chứng càng nhiều và mức độ nặng của biến chứng thay đổi theo mức lọc cầu thận. Dưới đây là một số biến chứng xảy ra ở người suy thận mạn.
Thiếu máu: Biến chứng này xuất hiện sớm khi bị suy thận mạn, mức độ tăng dần theo chức năng thận suy giảm. Nguyên nhân gây thiếu máu do thận giảm khả năng tổng hợp của erythropoietin - hormone tham gia quá trình sản xuất tế bào máu.
Rối loạn lipid máu: Đây là biến chứng thường gặp ở người bệnh thận mạn, làm tăng nguy cơ phát sinh biến chứng tim mạch.
Biến chứng tim mạch: Tăng huyết áp thúc đẩy nhanh quá trình suy thận mạn và ngược lại, người bệnh thận mạn rất khó kiểm soát huyết áp. Tăng ure máu dẫn đến viêm màng ngoài tim và tràn dịch màng ngoài tim. Các biến chứng khác như phì đại thất trái và suy tim trái, suy mạch vành, bệnh lý van tim, rối loạn nhịp tim do rối loạn điện giải.
Biến chứng ở phổi: Phù phổi, viêm phổi và tràn dịch màng phổi thường xảy ra ở người bệnh suy thận giai đoạn cuối chưa được lọc máu hoặc lọc máu không đầy đủ hoặc người bệnh chạy thận nhưng chưa đạt mức trọng lượng khô chuẩn (trọng lượng sau chạy thận nhân tạo).
Rối loạn nước, điện giải: Người bệnh suy thận mạn thường gặp các rối loạn nước - điện giải như hạ natri máu, natri niệu tăng, tăng kali máu...
Tăng kali máu là biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Rối loạn thăng bằng kiềm toan thường gặp tình trạng toan chuyển hóa.
Biến chứng thần kinh: Bệnh não do ure máu cao, xảy ra khi người bệnh suy thận ở giai đoạn muộn. Rối loạn thần kinh trung ương ở người bệnh lọc máu chu kỳ do hội chứng mất cân bằng gặp ở lần chạy thận nhân tạo đầu tiên. Viêm đa thần kinh gặp ở một số ít người bệnh lọc máu chu kỳ.
Biến chứng tiêu hóa: Khi mắc bệnh suy thận mạn vào giai đoạn cuối, chán ăn là triệu chứng phổ biến, nhất là đối với thức ăn chứa nhiều protein.
BS.CKI Đỗ Thị Hằng, Trưởng đơn vị Nội thận - Lọc máu, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cho biết, các triệu chứng bệnh thận mạn tính xảy ra rất mơ hồ, người bệnh không cảm thấy khác thường, đa phần phát hiện khi đi khám sức khỏe hoặc khám bệnh khác.
Khi có triệu chứng rõ ràng, bệnh đã tiến triển sang giai đoạn cuối. Do đó, người có biểu hiện mệt mỏi, thường xuyên buồn nôn, giảm cân, kén ăn, tiểu bọt, tiểu ít hơn bình thường, hai mắt nặng trĩu nhiều buổi sáng, sưng nề hai chân; nổi ngứa trên da... nên đi khám.
Người bệnh suy thận cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về việc dùng thuốc, liều lượng và lịch trình điều trị. Cần tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe thận nhằm phát hiện sớm các biểu hiện tổn thương thận, điều chỉnh liệu pháp kịp thời.
Người bệnh cần lưu ý chế độ dinh dưỡng lành mạnh; tránh đồ ăn nhiều muối, đường, dầu mỡ; bổ sung rau và trái cây. Người bệnh cần được bác sĩ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp, từng giai đoạn vì có những giai đoạn phải hạn chế ăn một số loại rau, trái cây.
Cần ăn đảm bảo đủ năng lượng và các dưỡng chất cần thiết; ăn ít đạm với lượng đạm được ăn hàng ngày tùy thuộc vào giai đoạn bệnh.
Ưu tiên chọn thức ăn giàu đạm sinh học như thịt gà, cá, trứng, đạm từ thực vật... và giảm đạm từ thức ăn theo từng giai đoạn của bệnh thận. Hạn chế thực phẩm giàu natri, kali, phốt pho, sử dụng các thực phẩm có nhiều canxi.
Uống đủ nước, tránh thừa dịch trong cơ thể. Lựa chọn chế độ vận động phù hợp với sức khỏe, không vận động quá nặng. Không lạm dụng thuốc lá, các chất kích thích. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, kiểm soát đường máu, huyết áp ổn định, kiểm soát cân nặng nếu thừa cân, béo phì...
Tại Việt Nam, theo ước tính cứ khoảng 10 người thì có một người mắc bệnh thận mạn và tỷ lệ mắc bệnh thận mạn có khuynh hướng tăng lên theo thời gian.
Ngoài ra, nhu cầu điều trị lọc máu tăng trong khi số lượng đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.
Theo thống kê, năm 2019, chi phí quản lý bệnh thận mạn cao hơn GDP bình quân đầu người, chi phí lọc máu cao gấp 4 lần so với chi phí điều trị bệnh thận mạn ở các giai đoạn sớm.
Chính vì những gánh nặng và hệ lụy trên, việc sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho bệnh nhân bệnh thận mạn sẽ giúp làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh tới điều trị thay thế thận và những lợi ích đáng kể cho ngành y tế.
Những người có tiền sử hoặc đang mắc ít nhất một bệnh lý sau: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch (suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ…), thừa cân, béo phì, suy thận cấp, tổn thương thận cấp, sỏi thận, sỏi niệu, các bệnh hệ thống.
Cần kiểm tra định kỳ cho những người có nguy cơ cao được đề cập ở trên để sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm bệnh thận mạn. Bệnh thận mạn có thể được chẩn đoán sớm thông qua xét nghiệm máu và nước tiểu.
Sàng lọc bệnh thận mạn là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe thận của bạn và đảm bảo rằng bạn không bỏ lỡ cơ hội điều trị hiệu quả nhất khi bệnh còn ở giai đoạn sớm.
Quốc Trưởng - Theo ĐTO