Biến chứng nguy hiểm do zona thần kinh
Zona thần kinh (hay còn gọi là giời leo) là bệnh nhiễm trùng da khá phổ biến.
Để phòng ngừa zona thần kinh, bệnh nhân nên đến khám sớm khi bắt đầu có thương tổn ở da để được điều trị thuốc kháng virus trong thời gian vàng. Ảnh minh họa
Zona thần kinh (hay còn gọi là giời leo) là bệnh nhiễm trùng da khá phổ biến. Đối với nhiều người, các triệu chứng của bệnh sẽ biến mất trong chưa đầy một tháng. Tuy nhiên, với một số người, bệnh có thể xuất hiện những biến chứng gây mất thị giác, thính giác, thậm chí là đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân gây bệnh zona thần kinh (giời leo) được xác định là do virus VZV. Đây chính là virus gây ra bệnh thủy đậu. Nói cách khác, sau khi mắc thủy đậu, trong cơ thể một bộ phận người bệnh vẫn còn tồn tại virus nói trên ở trạng thái tiềm tàng.
Sau một thời gian dài, có thể từ vài tháng đến nhiều năm, virus này di chuyển và “ngủ đông” tại các tế bào, hạch thần kinh. Khi có điều kiện thuận lợi như suy giảm miễn dịch, stress tinh thần, hoặc suy nhược cơ thể, làm việc quá sức dẫn đến cơ thể giảm sức đề kháng... thì bệnh tái hoạt động.
Khi đó, virus VZV sinh sản và lan truyền theo các đường dây thần kinh cảm giác, gây tổn thương da và dây thần kinh. Từ đó, gây nên triệu chứng và dấu hiệu của bệnh zona thần kinh. Ước tính, khoảng 15% người mắc thủy đậu sẽ bị zona thần kinh sau này.
Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, zona thần kinh là bệnh ngoài da có thể dẫn đến viêm phổi, các vấn đề về thính giác, mù lòa, viêm não hoặc viêm màng não và tử vong, nhưng rất hiếm.
Cứ 5 người mắc zona sẽ có 1 người xuất hiện cơn đau dữ dội. Cơn đau này được gọi là đau dây thần kinh sau herpes. Đặc biệt, khi tuổi càng cao, nguy cơ bị đau dây thần kinh hậu herpes nhiều hơn và bệnh dễ nghiêm trọng hơn.
BSCKI Nguyễn Thị Minh Phượng, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, để phòng ngừa zona thần kinh, bệnh nhân nên đến khám sớm khi bắt đầu có thương tổn ở da để được điều trị thuốc kháng virus trong thời gian vàng (72 giờ sau khi phát ban do zona). Từ đó, nhằm hạn chế kéo dài thời gian diễn tiến của bệnh cũng như biến chứng sau zona.
Bên cạnh đó, cần hạn chế tiếp xúc với mụn nước chưa khô và đóng vảy của người bệnh. Người bệnh tuyệt đối không nên đắp các loại lá cây, đắp đậu xanh hoặc các loại thuốc không rõ nguồn gốc vì có thể gây nhiễm trùng nặng hơn vùng thương tổn. Cần giữ vùng da luôn sạch sẽ và bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ da liễu – thẩm mỹ da.
Để tránh bị lây nhiễm virus zona cho người khác, bệnh nhân cần thực hiện các bước che chắn vết phát ban, không chạm vào khi chúng chưa đóng vảy. Đặc biệt, không tiếp xúc với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có đề kháng yếu, nhẹ cân, phụ nữ đang mang thai nhưng chưa tiêm vắc-xin ngừa bệnh zona, vắc-xin thủy đậu, người già, người có hệ miễn dịch yếu…
Theo GD&TĐ