Áp xe phổi ở trẻ và những biến chứng
Khi trẻ bị viêm phổi, màng phổi sẽ dẫn đến hình thành một ổ áp xe chứa mủ. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ ngăn ngừa được những biến chứng xấu.
Áp xe phổi ở trẻ là gì, trẻ nào dễ mắc?
Áp xe phổi ở trẻ là một bệnh lý viêm nhiễm cấp tính gây hoại tử ở nhu mô phổi, tạo nên một hay nhiều hang chứa mủ, kích thước trên 2cm. Có 2 loại áp xe phổi:
- Áp xe phổi nguyên phát: Xảy ra ở trẻ khoẻ mạnh - phổi bình thường trước đây.
- Áp xe phổi thứ phát: Xảy ra ở trẻ có bất thường phổi bẩm sinh hoặc mắc phải (như sau viêm phổi, viêm phổi hít, biến chứng sau phẫu thuật...).
Bệnh áp xe phổi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở bệnh nhân có suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và thường gặp nhiều ở trẻ dưới 3 tuổi.
Các yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị áp xe phổi là: Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải (HIV/AIDS), trong đó còn có thể do thuốc ức chế miễn dịch, điều trị ung thư…
Ngoài ra, trẻ bị dị tật lồng ngực, dị tật phổi bẩm sinh, trẻ dễ bị hít sặc vào phổi, nhất là khi có vệ sinh răng miệng kém, bại não, bệnh thần kinh - cơ; sau gây mê, đặt nội khí quản, thở máy, rối loạn nuốt, bất thường hoạt động thực quản, chấn thương lồng ngực… cũng dễ mắc phải căn bệnh này.
Nguyên nhân chính của áp xe phổi là do vi khuẩn, có thể vi khuẩn xâm nhập vào theo đường phế quản, đường máu, do viêm phổi hay xâm nhập qua cơ hoành. Vi khuẩn thường gặp ở đây là phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu...
Áp xe phổi ở trẻ một bệnh lý viêm nhiễm cấp tính gây hoại tử ở nhu mô phổi.
Dấu hiệu của áp xe phổi ở trẻ
Khi trẻ mắc áp xe phổi, thường có các biểu hiện điển hình qua các giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1: Xuất hiện ổ mủ kín, khi đó trẻ có ho, sốt cao 39 - 40 độ C, đau ngực, có thể có khó thở.
- Giai đoạn 2: Vỡ mủ, nghĩa là sau 1 thời gian, bệnh nhân đột ngột ho tăng lên, đau nhiều hơn. Trẻ ho dữ dội và ộc ra rất nhiều mủ. Mủ đặc quánh màu vàng hoặc nhầy màu vàng, có thể mùi rất thối. Bệnh nhân bị vã mồ hôi, mệt lả, sau đó sẽ hết sốt, dễ chịu, ăn ngủ được. Ở giai đoạn ộc mủ, cần đề phòng mủ tràn vào đường thở gây ngạt thở. Bệnh nhân có thể ho ra máu hoặc khạc ra ít mủ nhiều lần trong ngày.
- Giai đoạn 3: Giai đoạn ổ mủ thông với phế quản: Bệnh nhân vẫn ho dai dẳng, nhất là khi thay đổi tư thế và khạc ra mủ với số lượng ít hơn, khi chụp Xquang ngực có thể thấy ổ mủ trong phổi, xung quanh là tổ chức phổi đông đặc do bị viêm.
Biến chứng áp xe phổi ở trẻ
Áp xe phổi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Biến chứng viêm mủ màng phổi;
- Biến chứng viêm mủ màng tim, do vỡ ổ áp xe lây lan;
- Biến chứng áp xe não, viêm màng não;
- Biến chứng giãn phế quản quanh ổ áp xe;
Ngoài ra, trẻ sẽ có tình trạng ho ra máu nặng (gọi là ho máu sét đánh); nấm phổi; nhiều bệnh nhân bị suy kiệt và có thể tử vong.
Áp xe phổi là bệnh nặng, có thể có những biến chứng nguy hiểm.
Điều trị áp xe phổi ở trẻ thế nào?
Dù là bệnh nặng nhưng áp xe phổi vẫn có thể điều trị khỏi bằng nội khoa hoặc ngoại khoa. Tuy nhiên, cần phải khẩn trương, tích cực và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức trong môi trường chuyên khoa. Việc điều trị bao gồm:
Kháng sinh: Cần điều trị kháng sinh sớm, với liều cao và bằng đường tĩnh mạch. Thời gian điều trị là lâu dài và phải tính bằng tuần: Thường từ 6 - 8 tuần, trong đó ít nhất 2 tuần bằng đường tiêm truyền tĩnh mạch.
Dẫn lưu ổ áp xe với các phương pháp: Dẫn lưu tư thế (tùy theo vị trí ổ mủ mà chọn tư thế bệnh nhân để mủ dễ ra ngoài, kết hợp với vỗ rung lồng ngực), chọc dẫn lưu mủ qua thành ngực, hút mủ qua nội soi phế quản ống mềm... Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân; Đảm bảo cân bằng nước điện giải, thăng bằng kiềm toan; Giảm đau, hạ sốt.
Những trường hợp cần chỉ định phẫu thuật cắt phần phổi chứa ổ áp xe: Ổ áp xe lớn, có kích thước trên 8 cm; Áp xe phổi mạn tính điều trị nội khoa không kết quả sau 6 tuần; Ho ra máu tái phát hoặc ho ra máu với lượng nhiều, đe doạ đến tính mạng; Áp xe phối hợp với giãn phế quản khu trú nặng; Có biến chứng dò phế quản - khoang màng phổi.
Tóm lại: Áp xe phổi là bệnh nặng, có thể có những biến chứng nguy hiểm, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém, vì phải dùng thuốc kháng sinh kéo dài, có khi phải phẫu thuật cắt bỏ phổi. Do đó, việc phòng bệnh có ý nghĩa rất quan trọng, bao gồm các biện pháp sau:
- Trẻ cần giữ vệ sinh răng miệng, mũi, họng để tránh viêm nhiễm từ trên lan xuống phổi gây áp xe, đặc biệt là ở bệnh nhân có những nguy cơ đã nêu trên.
- Trẻ cần phòng chống viêm đường hô hấp cấp nói chung và viêm phổi nói riêng.
- Nếu trẻ mắc bệnh liên quan như: Nhiễm khuẩn răng hàm mặt, tai mũi họng, hô hấp... nên được điều trị tích cực và cần điều trị triệt để các bệnh là yếu tố nguy cơ gây áp xe phổi.
Quốc Trưởng – Theo SKĐS