Dấu hiệu nhận biết bạn bị tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp nếu không được điều trị có thể tăng nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề như bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.
Cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, mờ mắt có thể là một số triệu chứng cảnh báo tăng huyết áp. Ảnh minh họa
Huyết áp cao (còn gọi là tăng huyết áp) có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như đau tim hoặc đột quỵ. Việc thay đổi lối sống và thuốc huyết áp có thể giúp bạn khỏe mạnh.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), huyết áp cao là bệnh rất phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi. Thường không có triệu chứng nên bạn có thể không nhận ra mình mắc bệnh.
Nếu có, tăng huyết áp thường gây ra các triệu chứng bao gồm đau đầu (đặc biệt vào buổi sáng), mờ mắt, đau ngực, hồi hộp, đánh trống ngực... Nhưng cách duy nhất để biết bạn có bị huyết áp cao hay không là đi kiểm tra huyết áp.
Những điều làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao bao gồm:
- Tuổi tác: Bạn có nhiều khả năng bị huyết áp cao khi càng lớn tuổi
- Có người thân bị cao huyết áp
- Có chế độ ăn uống không lành mạnh - đặc biệt là ăn mặn, ăn nhiều muối
- Thừa cân
- Hút thuốc lá
- Uống quá nhiều rượu
- Bị căng thẳng trong thời gian dài.
Nếu huyết áp của bạn quá cao, nó sẽ gây thêm áp lực cho mạch máu, tim và các cơ quan khác, chẳng hạn não, thận và mắt.
Khi không được điều trị kịp thời, nó có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như bệnh tim, đột quỵ, suy tim, bệnh thận, chứng mất trí nhớ mạch máu. Giảm huyết áp dù chỉ một lượng nhỏ cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc những vấn đề này.
Làm thế nào để giảm huyết áp?
Thay đổi lối sống lành mạnh có thể giúp giảm huyết áp. Một số điều dưới đây có thể hữu ích cho người bị tăng huyết áp:
- Có chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh
- Tập thể dục thường xuyên - đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần
- Giảm cân nếu bạn thừa cân
- Không ăn quá nhiều muối - tránh ăn mặn
- Không uống quá nhiều rượu
- Không uống quá nhiều caffeine - đồ uống có nhiều caffeine bao gồm cà phê, trà...
- Không hút thuốc.
Theo Znews